Thomas Lee - Chủ tịch AOTCA: Ưu đãi thuế chỉ là yếu tố hấp dẫn có thời hạn

10/18/2013 03:49:49 PM




Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Tư vấn Thuế châu Á – châu Đại Dương (AOTCA) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam ngày 17/10, ông Thomas Lee, Chủ tịch Hiệp hội đã đưa ra những ý kiến chia sẻ về vấn đề cải thiện hệ thống chính sách thuế ở Việt Nam với phóng viên TBTCVN
Upload file:

 

 
 
Khi một DN lựa chọn đầu tư vào một quốc gia nào đó thì họ đã cân nhắc những lợi thế như chi phí lao động thấp, chi phí đất đai rẻ, bên cạnh ưu đãi về thuế. Các DN cũng hiểu rằng những ưu đãi thuế là ngắn hạn và không phải cứ hết chính sách ưu đãi là họ sẽ rút đi...
ong Lee
Thomas Lee, Chủ tịch AOTCA 
 

* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chính sách ưu đãi thuế hiện nay của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài ?

 

- Theo kinh nghiệm của tôi khi làm việc với các nước đang phát triển, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam khá là hấp dẫn, cởi mở với rất nhiều chính sách miễn và giảm thuế. Nhìn sang Trung Quốc, cách đây nhiều năm, cũng với chính sách ưu đãi thuế khá tương tự dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trung Quốc đã phát triển từ một đất nước có thu nhập thấp trở thành một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

 

* Xin ông có thể đưa ra so sánh kỹ hơn về chính sách thuế của Việt Nam so với các nước xung quanh ?

 

- Chính sách thuế cũng như các chính sách khác, không phải là một cái gì đó ổn định lâu dài. Không có quốc gia nào có chính sách thuế ổn định trong một thời gian dài. Chẳng hạn như trong vài chục năm qua, Trung Quốc đã thường xuyên, liên tục sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế để phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài của mình.

 

Những ngày đầu khi Trung Quốc mới mở cửa thì chính sách của họ là khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Khi đó họ cho phép dòng vốn vào thoải mái nhưng không cho phép dòng vốn ra. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong vài năm gần đây khi Trung Quốc khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Chúng ta thấy rõ đã có những dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc chảy ra các nước khác, trong đó có Việt Nam. Họ đầu tư không chỉ ở các thị trường đang phát triển mà cả ở những nước phát triển như Mỹ, châu Âu.

 

Khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào quốc gia, họ sẽ mang theo không chỉ có vốn mà cả kỹ năng, công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý…

 

Tuy nhiên, không một quốc gia nào có thể ưu đãi mãi mãi, miễn thuế mãi mãi cho các công ty. Bởi khi một DN lựa chọn đầu tư vào một quốc gia nào đó thì họ đã cân nhắc những lợi thế như chi phí lao động thấp, chi phí đất đai rẻ, bên cạnh ưu đãi về thuế. Các DN cũng hiểu rằng những ưu đãi thuế là ngắn hạn và không phải cứ hết chính sách ưu đãi là họ sẽ rút đi.

 

Vì thế, khi chúng ta thu hẹp dần các ưu đãi thuế thì chúng ta phải cân nhắc để tạo ra những sức hút, lợi thế khác để giữ DN ở lại. Chẳng hạn lợi thế thị trường, chúng ta tạo điều kiện cho họ bán hàng ngay tại thị trường nội địa để cho họ tiếp tục có lãi và ở lại.

 

Đối với Việt Nam cũng vậy, những ưu đãi thuế chỉ là yếu tố hấp dẫn có thời hạn, cần phải làm sao để DN thấy không cần ưu đãi thì họ vẫn có lợi thế khi ở lại Việt Nam.

 

* Thưa ông, theo quan điểm của ông thì các chính sách thuế của Việt Nam đã phù hợp chưa, điểm nào chưa phù hợp?

 

- Rất khó cho tôi để đưa ra so sánh chi tiết về chính sách thuế ở Việt Nam. Tuy nhiên, phải hiểu rằng không có một chính sách thuế nào là hoàn hảo. Trong thời gian ngắn ở Việt Nam, tôi thấy Việt Nam cần rất nhiều đến vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

 

Để thu hút vốn đầu tư, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, nhưng phải chọn đúng quốc gia để so sánh và làm cơ sở khi học hỏi. Rất khó để học tập kinh nghiệm từ EU, Mỹ, Nhật Bản… bởi Việt Nam có nền tảng khác hẳn, có khoảng cách rất xa về phát triển kinh tế.

 

Hay kể cả như Ấn Độ, cũng không nên so sánh. Ấn Độ là một nước có thể chế tương đối phức tạp, vì thế việc thay đổi luật rất khó khăn, phức tạp. Trong những năm qua, Ấn Độ không phát triển nhiều về cơ sở hạ tầng, đường sá. Chính sách thuế của Ấn Độ là điều Việt Nam không nên học tập.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc là một hình mẫu tương đối mà Việt Nam có thể so sánh và học tập mô hình. Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, ở đây Chính phủ có thể ban hành các chính sách một cách nhanh chóng hơn, và đó là điều thuận lợi để cải thiện chính sách, cụ thể là chính sách thuế.

 

Cách đây chưa lâu lắm, Trung Quốc cũng ở vị trí giống như các bạn ngày hôm nay và Trung Quốc đã học hỏi, tiếp thu được rất nhiều công nghệ mới trong quá trình đầu tư phát triển. Vì thế, Việt Nam nên học hỏi từ nước có nền tảng tương đối giống, có khoảng cách gần hơn với mình.

 

* Xin cảm ơn ông.

 

Theo Thời báo tài chính