Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

11/03/2015 10:25:16 AM




Về nội dung sửa đổi thuế TTĐB trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ như dự thảo Luật, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2000cm3; và tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 .
Upload file:

 

Về quy định tỷ lệ tính tiền chậm nộp: theo dự thảo Luật, sẽ sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại Luật Quản lý thuế theo mức bằng 0,03%/ngày (thay cho mức 0,05%/ngày) tính trên số tiền thuế chậm nộp để phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, giảm áp lực cho người nộp thuế.

 

Đa số ý kiến cho rằng, mức phạt tiền chậm nộp 0,05%/ngày (tương đương với khoảng 18,25%/năm) theo quy định hiện hành là quá cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp do đó nhất trí với dự thảo luật điều chỉnh giảm mức phạt tiền chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày (tương đương với khoảng 10,95%/năm). Tuy nhiên, cũng có ý kiến lưu ý rằng với mức phạt tiền chậm nộp như dự thảo là thấp, không đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp cố tình chây ì, không nộp thuế cho Nhà nước...

 

Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị xem xét hoàn cảnh tính phạt nộp thuế, vì theo ông: “nếu cứ chậm nộp là phạt thì hơi khắt khe, không nuôi dưỡng nguồn thu”.

 

Do đó, Đại biểu đề nghị, trong tính tỷ lệ nộp phạt thuế, tuỳ từng hoàn cảnh, lúc cả nước khó khăn, thì Chính phủ có hướng dẫn giảm thuế, tuỳ đối tượng, để tránh trường hợp DN phá sản, nhà nước mất cả tiền thuế, nợ đọng thuế. Do đó, phải có giải pháp mềm dẻo, còn trường hợp đúng đối tượng chây ì thì phạt .

 

Về xoá nợ thuế cho DNNN, đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo, nhưng Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị cần xem xét kỹ. “Đồng ý quy định xoá nợ, nhưng DN phải đã được thanh tra, kiểm tra kỹ. Nếu DN thua lỗ do khách quan, có thể chấp nhận, nhưng trường hợp DN làm ăn thua lỗ, mà không rõ nguyên nhân, thì phải xử lý người đứng đầu đã, sau đó mới xoá nợ”, Đại biểu Phương nói.

 

Đại biểu Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội về việc xóa nợ cho các DNNN để thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo Đại biểu, việc cho phép các DNNN thực hiện xóa nợ đối với các trường hợp chuyển đổi là không nên, bởi lẽ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chuyển đổi đương nhiên phải kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp trong đó có trách nhiệm phải nộp thuế.

 

Góp ý vào dự thảo Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) (thuế XNK), ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) đồng tình cao với việc cần thiết phải sửa Luật thuế XNK, vì đã ban hành 10 năm nay, sắp tới lại hội nhập, thì cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, việc hoàn thuế XNK, là một khó khăn của cơ quan hải quan trong quản lý. Một là DN kinh doanh rất khôn ngoan, tìm mọi cách buôn bán hoá đơn, chuyển hàng qua cửa khẩu, nhà nước mất đi tiến thuế GTGT, nên ngành hải quan rất vất vả.

 

“Bắt được một vụ, chứng tỏ đi lọt nhiều vụ, DN đã hình thành đường dây, qua Cầu Treo, tiêu thụ ở Lào, theo dõi lâu dài mới phát hiện được. Cho nên cần hạn chế thuế tạm nhập tái xuất, càng mở rộng, các DN càng lợi dụng mà nhà nước không thu được đồng nào. Hàng mới xuất chưa bán mà đã cho hoàn thuế, nên tôi không đồng tình với việc cho hoàn thuế hàng XK”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích.

Theo Cổng TTĐT Bộ tài Chính