Thủ tướng Chính phủ: Giảm trần bội chi từ sau năm 2015

12/05/2013 03:03:11 PM




Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Mức bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2013-2014 được nâng lên 5,3% GDP, song từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần.
Upload file:

 

Cập nhật những nét lớn về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam trong 3 năm 2011-2013 tại phiên khai mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) sáng 5-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.

 

Năm 2013, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,4%, bình quân 3 năm 2011-2013 tăng 5,6%/năm, tuy còn thấp hơn mức 7,2% giai đoạn 2006-2010; đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Dự kiến, GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%.

 

Nhấn mạnh việc kiềm chế lạm phát như một “thành tựu nổi bật” của Việt Nam, Thủ tướng cho biết: Việt Nam đã kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiền kiềm chế lạm phát, giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Trong 3 năm qua, xuất khẩu liên tục tăng cao, 11 tháng năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2%, nhập siêu giảm mạnh, năm nay ước chỉ còn khoảng 500 triệu USD.

 

Vốn ODA ký kết và giải ngân đạt kết quả khá, 11 tháng giải ngân trên 4 tỷ USD tăng 13,5%; tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh, đạt gần 21 tỷ USD tăng 54,2%, số vốn giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD.

 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong năm 2014-2015, Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

 

Phát biểu trước các đối tác phát triển, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiếu yếu như điện, than, xăng dàu, nước, dịch vụ y tế… nhưng song song với đó vẫn đảm bảo yêu cầu kiểm soát lạm phát, công khai minh bạch và có hỗ trợ cho người nghèo.

 

Mức bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2013-2014 được nâng lên 5,3%GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần. Việc nâng bội chi sẽ được dành cho đầu tư phát triển và trả nợ. Việt Nam sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo trong giới hạn an toàn.

 

Đánh giá về tình hình tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng cho biết: Năm 2014-2015, Việt Nam tiếp tục kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, có cơ chế khuyến khích, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế.

 

Đặc biệt, liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong 2014-2015, sẽ chấm dứt đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước.

 

Trong đó, cổ phần hóa 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91, hầu hết tổng công ty 90. Ngoài ra, sẽ bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa, tạo đà cho việc hoàn thành cổ phần hóa vào 2020.

 

“Mặc dù đạt được một số thành tựu, kết quả tích cực, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chúng tôi đang nỗ lực khắc phục” – Thủ tướng phát biểu.

Theo baohaiquan.vn