Sáp nhập các chi cục thuế là phù hợp thực tế

05/31/2018 02:44:56 PM




Chủ trương sáp nhập các chi cục thuế là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay... Ông Phạm Thanh Hải - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh như vậy, khi trao đổi với phóng viên TBTCO.
Upload file:

*PV: Xin ông cho biết, một số nét cơ bản về hoạt động của Chi cục Thuế Lập Thạch trong thời gian qua?

- Ông Phạm Thanh Hải: Chi cục Thuế Lập Thạch là đơn vị có truyền thống hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách, giữ vai trò quan trọng trong cân đối thu – chi ngân sách của địa phương. Năm 2017, số thu của chúng tôi đứng thứ 5/9 chi cục của Vĩnh Phúc.

Năm 2018, Chi cục Thuế Lập Thạch được giao dự toán là 102 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá sẽ thực hiện đạt khoảng 180 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, đơn vị đã thu được gần 60 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong quá trình hoạt động, chi cục luôn chỉ đạo quản lý thu chặt chẽ, kịp thời đối với đất dịch vụ và đấu giá quyền sử dụng đất; áp dụng nhiều biện pháp quản lý thu nợ.

 

thue lap thach

Ông Phạm Thanh Hải

Đồng thời, chúng tôi chủ trương đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử, giảm các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên thực hiện rà soát số hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn và hướng dẫn đăng ký, kê khai, quyết toán thuế theo quy định.

*PVThưa ông, hiện tại, ngành Thuế đang tiến hành rà soát, thực hiện phương án sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành các chi cục thuế khu vực. Là đơn vị trực tiếp chịu tác động của sự điều chỉnh này, ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

- Ông Phạm Thanh Hải: Chủ trương sáp nhập các chi cục thuế là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế cũng được lập đề án cụ thể và chỉ đạo sát sao, chặt chẽ với tiêu chí phải đảm bảo ổn định hoạt động của bộ máy, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao và việc thực hiện kế hoạch ngân sách hàng năm của các địa phương.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng phương án bố trí, sắp xếp nhân sự khi sáp nhập các chi cục thuế, đảm bảo công khai, minh bạch khi triển khai thực hiện, tránh gây hoang mang cho công chức và người lao động; tránh gây mất đoàn kết trong nội bộ đơn vị, ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện kế hoạch chung trong toàn ngành.

Trên thực tế, hiện tại tất cả các chi cục thuế đầu mối công việc đều như nhau. Tuy nhiên, tại hầu hết chi cục thuế đều rất ít nhân sự thực hiện các đầu mối công việc này, nếu không muốn nói là thiếu. Do đó, khi sáp nhập, tuy khối lượng công việc tăng lên nhưng số lượng người tại các đầu mối công việc cũng sẽ tăng lên, giúp xử lý công việc chuyên môn hóa hơn, vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn.

Cụ thể như: Theo kế hoạch Chi cục Thuế huyện Lập Thạch sẽ sáp nhập với Chi cục Thuế huyện Sông Lô. Hiện Chi cục Thuế Lập Thạch có 31 cán bộ thực hiện rất nhiều đầu mối công việc. Sau khi sáp nhập, số lượng nhân sự tại mỗi đầu mối có số lượng cán bộ tăng gấp đôi sẽ góp phần thúc đẩy giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, sắp tới hai chi cục thuế có rất nhiều cán bộ nghỉ hưu. Nhân sự được trẻ hóa, đáp ứng tốt đòi hỏi về trình độ chuyên môn, công nghệ thông tin để triển khai thuế điện tử… Tất cả những yếu tố chủ quan có vai trò quan trọng này sẽ thúc đẩy công cuộc cải cách ngành Thuế diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.

 

 

 

 

 

 

lap thach

 Chi cục Thuế Lập Thạch đang tích cực hoàn tất các công việc sáp nhập. Ảnh: Tố Uyên

Mặt khác, khi sáp nhập không chỉ giảm được lực lượng lãnh đạo, trưởng các đầu mối mà còn giảm một lực lượng lớn biên chế của ngành Thuế, góp phần tiết kiệm chi phí hoạt động cho bộ máy quản lý nhà nước.

Tôi cho rằng, hiện tại mới chỉ đánh giá tổng quát trên kế hoạch và đang trong quá trình thực hiện nên chúng ta chưa nhìn ra được hết hiệu quả. Sau 3 - 5 năm nữa sẽ thấy rất rõ hiệu quả từ việc sáp nhập mang lại.

Đặc biệt, việc sáp nhập cũng mang lại nhiều lợi ích đối với người nộp thuế như tiến độ công việc giải quyết nhanh hơn vì số lượng cán bộ phân vào các đầu việc tăng lên, đáp ứng được vấn đề về công nghệ thông tin hóa ngành Thuế.

*PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn về tình hình hiện tại và kế hoạch sáp nhập hai chi cục thuế Lập Thạch và Sông Lô, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong việc sáp nhập?

- Ông Phạm Thanh Hải: Nhìn chung, tất cả cán bộ, nhân viên hai chi cục thuế Lập Thạch và Sông Lô đều nhất trí, đồng thuận với kế hoạch sáp nhập.

Chúng tôi đã họp và thống nhất tên gọi sau khi sáp nhập hai chi cục thuế gọi là Chi cục Thuế khu vực Lập Thạch. Bởi tên huyện Lập Thạch đã có từ lâu đời và trước đây là huyện Lập Thạch tách ra thành hai huyện Lập Thạch và Sông Lô.

Trụ sở sẽ đặt tại Lập Thạch do khoảng cách từ trung tâm huyện này đến tất cả các xã đều cân đối như nhau. Xã xa nhất đến chi cục cũng chỉ khoảng gần 30 km, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, sau sáp nhập có nổi lên một vài khó khăn. Ví dụ như, hiện cơ sở vật chất tại Lập Thạch mới chỉ đáp ứng được sự gia tăng của các phòng làm việc. Còn nhà ăn và nhà nghỉ trưa, nhà xe cho các cán bộ ở xa thì hiện vẫn chưa đáp ứng hết được... Vấn đề này sẽ khắc phục và hoàn thiện.

Khi sáp nhập, chúng tôi muốn tập trung các phòng ban về một mối để thuận lợi cho việc quản lý sau này. Theo đề nghị của Chi cục Thuế Sông Lô đã nêu trong đề án, tạm thời để bộ phận giải quyết về thủ tục liên quan đến đất đai, thuế trước bạ ô tô, xe máy ở lại trụ sở cũ của Chi cục Thuế Sông Lô.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu để như vậy thì sẽ có những hạn chế như: khó khăn trong vấn đề tổ chức nhân sự, sử dụng con dấu; quy trình sử dụng ứng dụng về quản lý trước bạ; khó khăn trong việc tiết kiệm chi phí vận hành… Do đó, tại trụ sở cũ của Chi cục Thuế Sông Lô chỉ nên để lại một đội liên xã để quản lý các hộ kinh doanh trên địa bàn.

*PV: Theo ông, có khó khăn, phức tạp gì phát sinh đối với người nộp thuế và doanh nghiệp , trong quá trình sáp nhập cơ quan quản lý thuế không?

- Ông Phạm Thanh Hải: Khó khăn cũng có, nhưng không nhiều và cơ bản là không ảnh hưởng lớn đến người nộp thuế. Ở một số địa bàn xa, cán bộ thuế sẽ phải đi lại xa hơn trước đây. Tuy nhiên, với việc hiện đại hóa ngành Thuế, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, phát triển thuế điện tử...,  vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Như trên đã đề cập, trong đề án sáp nhập của Tổng cục Thuế và Cục Thuế Vĩnh Phúc có nêu việc để lại bộ phận giải quyết về đất đai như chuyển nhượng bất động sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đăng kí về lệ phí trước bạ đối phương tiện vận tải… Tuy nhiên cơ bản là để phục vụ người dân, còn doanh nghiệp hiện đã thực hiện kê khai nộp thuế điện tử nên khoảng cách với chi cục thuế không còn bị ảnh hưởng.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính