Tính toán để cắt giảm còn 171 giờ khai, nộp thuế

08/07/2014 04:13:03 PM
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, yêu cầu của Chính phủ trong Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia là giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ vào năm 2015. Như vậy, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch đặt ra trước đó.

 

DN tiêu tốn nhiều thời gian chuẩn bị khai thuế

 

Trong tổng số thời gian 872 giờ nộp thuế năm 2014 của Việt Nam do Doing Business công bố, thì DN làm các thủ tục thuế (thuế GTGT, Thu nhập DN) là 537 giờ, Bảo hiểm Xã hội là 335 giờ. Nhưng điều đáng chú ý là trong 537 giờ thì chi phí thời gian DN dành để chuẩn bị tài liệu, rà soát, ghi chép số liệu để thực hiện kê khai thuế (do khác biệt về quy định của chính sách thuế và kế toán) chiếm gần hết. Chẳng hạn như: Đối với thuế GTGT chiếm 320 giờ, thì thời gian chuẩn bị kê khai thuế là 296 giờ, thời gian thực hiện khai thuế 18 giờ, thời gian nộp thuế là 6 giờ. Tương tự như với thuế Thu nhập DN chiếm 217 giờ, trong đó thời gian chuẩn bị kê khai thuế là 198 giờ, thời gian thực hiện khai thuế 14 giờ và thời gian nộp thuế là 5 giờ.

 

Số giờ nộp thuế lớn là do thời gian để chuẩn bị kê khai thuế chiếm phần lớn và cao hơn nhiều các nước trong khu vực, trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do DN phải điều chỉnh để đáp ứng những khác biệt của quy định về thuế so với kế toán. Ví dụ như trong lĩnh vực thuế GTGT, việc chuẩn bị kê khai có số giờ lớn là do: DN phải rà soát các hóa đơn GTGT đầu vào, phải nhập các thông tin chưa có trên phần mềm kế toán như: Số hiệu, ký hiệu hóa đơn, mặt hàng (mất 132 giờ); Phải rà soát, kê khai các hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ (12 giờ); Rà soát, ghi chép và điều chỉnh các khoản thanh toán không dùng tiền mặt vào cột ghi chú trên bảng kê (54 giờ)…

 

So sánh một số nước trong khối ASEAN thì Thái Lan chỉ áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT, không thực hiện bảng kê hóa đơn (do các hóa đơn bán hàng được chuyển qua đường điện tử về Cơ sở dữ liệu Quốc gia và cơ quan Thuế được khai thác, sử dụng); Camphuchia không thực hiện bảng kê hóa đơn và căn cứ kết quả hạch toán kế toán (tài khoản doanh thu và thuế GTGT phải nộp, tài khoản doanh thu và thuế GTGT mua vào) để tính thuế GTGT …

 

Do vậy, theo nhận định của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, để cải cách, cắt giảm chi phí cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia sẽ có nhiều thách thức lớn đối với cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó cơ quan Thuế phải chấp nhận để thay đổi. Cụ thể, thực tế hiện nay còn tồn tại những bất cập như: Thời gian liên quan đến DN phải đáp ứng trong công tác thanh, kiểm tra thuế rất mất thời gian vì phương thức thanh tra, kiểm tra, quy định luật pháp về thanh, kiểm tra DN; Thời gian giải quyết vướng mắc khiếu nại của DN chậm bởi thực tế có tình trạng DN không biết khiếu nại của mình đang ở đâu, thời gian giải quyết rất dài…

 

Giảm được 354 giờ vào cuối năm 2014

 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối với ngành Thuế, đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm). Theo đó, đối với các thủ tục hành chính cần cắt giảm ngay liên quan đến việc phải sửa đổi, bổ sung Luật hoặc Nghị định, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ ra Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện trước mắt, sau đó phối hợp với cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục quy định.  Đối với những thủ tục hành chính thuế quy định tại văn bản do Bộ Tài chính, Tổng cục thuế ban hành cần rà soát để cắt bỏ, đơn giản ngay những thủ tục gây phiền hà, phức tạp, không cần thiết đối với người nộp thuế.

 

“Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đặt ra mục tiêu trung hạn đến tháng 12-2014 cắt giảm khoảng 354 giờ làm thủ tục thuế, đến tháng 6-2015, thủ tục nộp thuế phải còn 171 giờ. Hiện Bộ Tài chính đang tập trung sửa đổi một số Thông tư để giảm bớt thời gian làm thủ tục và theo không đúng tiêu chuẩn kế toán quốc tế như: Hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi 3 Thông tư về Thuế GTGT, Thu nhập DN, Quản lý thuế. Theo đó, sửa đổi, bổ sung 11 nội dung với 6 biểu mẫu, 6 nhóm tờ khai. Riêng việc này đã giảm 201 giờ”- Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay.

 

Theo tính toán của Tổng cục Thuế, chỉ cần thực hiện các giải pháp để cắt giảm thủ tục liên quan đến lĩnh vực thuế GTGT như: Nâng mức doanh thu khai thuế GTGT theo quý từ dưới 20 tỷ đồng/năm lên dưới 50 tỷ đồng/năm. Nếu giải pháp này thông qua thì sẽ có khoảng 91% DN khai thuế GTGT theo quý (thay vì 84% như hiện nay) với số thuế chiếm tỷ trọng khoảng 19,75% ( khoảng 32.400 tỷ đồng) trong tổng số thuế GTGT hiện có; Thực hiện bỏ 3 chỉ tiêu ký hiệu hóa đơn, mẫu hóa đơn, thuế suất và thay chỉ tiêu “mặt hàng” bằng “ diễn giải kế toán” cho phù hợp với ghi chép kế toán; Cho phép DN tự rà soát và điều chỉnh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ nếu chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng… thì cũng  giảm được 227,36 giờ.

 

Tương tự về thuế Thu nhập DN, nên cho phép DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng/năm, căn cứ số thuế phát sinh năm trước và tình hình sản xuất kinh doanh năm nay, tự xác định số thuế tạm nộp từng quý. Đến khi quyết toán, nếu số thuế quyết toán lớn hơn số đã tạm nộp trên 20% thì DN phải tự tính tiền chậm nộp đối với số thuế vượt trên 20% theo quy định của Luật Quản lý thuế; Bỏ quy định việc ghi nhận doanh thu tính thuế Thu nhập DN đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ vì thực tế đây là quy định khác biệt giữa thuế và kế toán, làm tăng thêm chi phí thời gian cho DN; Thực hiện khai, nộp thuế điện tử trên 90% số DN… Dự kiến chi phí thời gian nộp thuế Thu nhập DN sẽ giảm được 120 giờ.

 

Như vậy, tổng số giờ giảm được là 347,86 giờ; Trong đó, Thuế GTGT giảm 237,36 giờ (trong đó, có 29,36 giờ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, 198 giờ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, 10 giờ thuộc giải pháp triển khai của Tổng cục Thuế); Thuế Thu nhập DN giảm 110,5 giờ ( trong đó, có 99 giờ thuộc thẩm quyền của Chính phủ; 4 giờ thuộc giải pháp triển khai của Tổng cục Thuế; 7,5 giờ đang kiến nghị về cách tính).

 

Dự kiến, cuối năm 2014, tổng số giờ nộp thuế sau khi đã thực hiện các giải pháp để cắt, giảm sẽ còn lại là 189,14 giờ (trong đó GTGT còn 82,64 giờ; Thu nhập DN còn 106,5 giờ).

 

Theo Tổng cục Thuế, bên cạnh các giải pháp trên, cơ quan này sẽ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để phân tích và đề xuất các giải pháp nhằm giảm số giờ nộp các khoản đóng góp bắt buộc có liên quan đến thuế Thu nhập cá nhân; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp, quản lý mã số thuế/ mã số DN liên thông giữa 2 ngành; xây dựng quy chế phối hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động của DN sau khi đăng ký thành lập; đẩy nhanh tiến độ cải cách đăng ký kinh doanh đối với nhóm tổ chức kinh doanh là Hợp tác xã và hộ gia đình, cá  nhân kinh doanh. Cơ quan Thuế sẽ cùng với cơ quan Tài nguyên Môi trường trong việc cải cách công tác kê khai, mẫu biểu khai thuế, nộp thuế đối với các khoản thu liên quan đến đất đai (tiền sử dụng đất, thuế Thu nhập cá nhân về chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ...).

 

Chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh của Tổ chức phát triển Mỹ (USAID)- Ông Olin McGill:

Theo tính toán của USAID, chi phí hàng năm mà một nhân viên DN phải bỏ ra để làm thủ tục làm thuế là trên 24 triệu đồng. Với tổng số giờ nộp thuế là 872 giờ, DN đang tiêu tốn khoảng 20 tỷ đồng cho công việc này. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 400.000 DN, số tiền thất thoát lên tới 8.000 tỷ đồng. Nếu Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện Nghị quyết 19 thì đây sẽ là một cuộc cải cách tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung:

Thực tế có DN phàn nàn khi làm thủ tục hành chính đến cái chữ viết hoa hay không viết hoa cũng có nhiều người đưa ra bắt bẻ. Trong khi đó những chồng chéo, phức tạp trong thủ tục hành chính giữa các cơ quan Nhà nước để quản lý hoạt động của DN vẫn còn nhiều rối rắm thì lại chậm khắc phục. Rõ ràng nhất là câu chuyện nộp thuế đã gây ra những hệ lụy, trắc trở nhưng không thấy ai bị phạt, ai chịu trách nhiệm? Hầu như tất cả cái khó đều chĩa vào người dân, DN. Trong thế giới hội nhập, luật chơi như nhau vì thế ta cần phải cải cách để phù hợp thông lệ quốc tế.

 

Theo Báo Hải Quan