Siết chặt hơn công tác quản lý nợ thuế

04/21/2014 03:06:07 PM
Để siết chặt hơn công tác quản lý và thu hồi nợ thuế, Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định 1074/QĐ-TCHQ ban hành quy trình “Quản lý nợ thuế, nợ tiền chậm nộp, nợ phạt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”.

 

Theo ông Đào Tiến Khương- Phó Trưởng Phòng Quản lý nợ và kế toán thuế (Cục thuế XNK- Tổng cục Hải quan), Quy trình theo dõi, quản lý nợ thuế được Tổng cục Hải quan xây dựng để hải quan các địa phương thực hiện thống nhất việc theo dõi và quản lý nợ thuế đối với hàng hóa XNK, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với hàng hóa XNK của đối tượng nộp thuế. Đồng thời cũng là để phù hợp với những sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

 

Quy trình đưa ra các tiêu chí phân loại nợ (nhóm nợ khó thu, nhóm nợ chờ xử lý, nhóm nợ có khả năng thu), các bước thực hiện quản lý nợ…; và quy định nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị từ cấp Tổng cục đến cấp chi cục trong theo dõi, quản lý nợ thuế.

 

Theo đó, trong công tác phân loại nợ và lập hồ sơ theo dõi người nộp thuế, CBCC hải quan phải thực hiện theo trình tự như sau:

 

Tại Chi cục Hải quan, CBCC Hải quan được phân công quản lý nợ thuế thực hiện khai thác chương trình KT559 danh sách nợ thuế theo tờ khai của từng người nộp thuế có nợ, phân loại bước đầu từng người nộp thuế có nợ theo tiêu chí phân loại quy định tại điểm A, mục I Phần II Quy trình này.

 

Tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Cục có trách nhiệm đóng dấu công văn đến; ghi rõ ngày tiếp nhận; vào sổ công văn đến và chuyển Phòng Thuế xuất nhập khẩu hoặc Phòng nghiệp vụ. Lãnh đạo Phòng phân công công chức thụ lý ngay trong ngày làm việc.

 

Đối với trường hợp cần thu thập thêm hoặc xác minh lại thông tin của người nộp thuế, công chức lập phiếu đề xuất trình Lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Cục phê duyệt và thực hiện như hướng dẫn tại Bước 2 điểm B mục I Phần II Quy trình này. Sau khi có kết quả xác minh lại hoặc bổ sung thêm thông tin về người nộp thuế, công chức lập phiếu đề xuất trình lãnh đạo hướng xử lý.

 

Quy trình cũng quy định rất rõ thông tin về người nộp thuế có nợ phải được cập nhật thường xuyên, kịp thời nhằm đảm bảo việc phân loại nợ thuế, xử lý nợ thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, đồng thời thông tin phải được chuyển cho bộ phận quản lý rủi ro cấp tương đương để tiếp tục cập nhật, bổ sung vào hồ sơ doanh nghiệp trên hệ thống quản lý rủi ro...

 

Có thể thấy, với việc ban hành quy trình Quản lý nợ thuế, nợ tiền chậm nộp, nợ phạt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thì công tác thu đòi và quản lý nợ thuế của ngành Hải quan sẽ được siết chặt hơn.

Theo baohaiquan.vn