Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Đánh giá cụ thể số nợ đọng thuế thực tế

11/08/2018 08:49:41 AM
Ngày 8/11 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Sau hơn 10 năm thực thi, dự án luật lần này được sửa đổi, bổ sung toàn diện, hoàn chỉnh tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận những chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Việc bổ sung quy định về khoanh nợ thuế nhằm phản ánh thực chất hơn số nợ thực tế.
Việc bổ sung quy định về khoanh nợ thuế nhằm phản ánh thực chất hơn số nợ thực tế.

 

Bổ sung quy định về khoanh nợ, xóa nợ thuế

Dự thảo luật bao gồm 17 chương, 152 điều. Trong đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như luật hiện hành. Đồng thời, để bao quát tất cả các nguồn thu của ngân sách nhà nước (NSNN), dự thảo luật có điều chỉnh đối với các khoản thu thuộc NSNN không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.

Về nội dung quản lý thuế, bên cạnh kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo luật có bổ sung các nội dung về không thu thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế và quy định về khoanh nợ tiền thuế.

Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) chờ giải thể, DN mất khả năng thanh toán... được khoanh nợ thuế. Quy định này được đánh giá là phù hợp với thực tế, khi mà nợ do phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi. Đồng thời, dự thảo quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền phạt chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ. Việc bổ sung quy định về khoanh nợ thuế nhằm phản ánh thực chất hơn số nợ thực tế.

 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ xóa nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo  quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; bổ sung quy định phân cấp cho cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.

Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý thuế

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan về quản lý thuế, dự thảo luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp theo hướng chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến quản lý thuế, không nhắc lại nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong quản lý thuế. Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, có nhiệm vụ, quyền hạn quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 15 dự thảo luật. Các bộ, ngành có liên quan được xây dựng theo hướng phối hợp thực hiện quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành.

Với hoạt động thanh tra, kiểm toán, dự thảo luật quy định cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, pháp luật về thanh tra, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế. Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Với các ngân hàng thương mại, luật hiện hành quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản... theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Dự thảo luật bổ sung các quy định như khấu trừ, nộp thay tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; cung cấp thông tin để quản lý thuế phù hợp với việc quản lý thuế theo phương thức điện tử, đồng bộ trong phát triển chính phủ điện tử và đảm bảo phù hợp với pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về đăng ký thuế; khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế; sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hoá; thanh tra, kiểm tra thuế và các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân phủ pháp luật thuế của người nộp thuế; hoàn thiện các quy định về cưỡng chế nợ thuế; xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế; quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết và với hoạt động thương mại điện tử...

 

Theo Thời báo Tài chính