Hội nghị thường niên AOTCA: Cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thuế quốc tế

10/18/2013 04:01:32 PM
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Hiệp hội Tư vấn thuế châu Á - châu Đại Dương (AOTCA) do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đăng cai tổ chức, ngày 17-18/10, hội thảo quốc tế về thuế đã chính thức khai mạc.

 

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Lê Hồng Hải, Chủ tịch AOTCA Thomas Lee, cùng trên 200 chuyên gia thuế quốc tế đến từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương và trên 100 chuyên gia thuế Việt Nam.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý

 
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh nêu rõ, Việt Nam đang trong tiến trình cải cách kinh tế - tài chính và tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập khu vực và thế giới. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn và đầy biến động của kinh tế thới giới, Việt Nam vẫn cố gắng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì được mức tăng trưởng GDP bình quân 5,6% mỗi năm trong 3 năm 2011-2013. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 204 tỷ USD, trong đó châu Á-châu Đại dương chiếm 50%
AOTCA được thành lập vào năm 1992 với 10 thành viên sáng lập. Đến nay AOTCA đã mở rộng với 22 thành viên từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho 330.000 hội viên. Thành viên của AOTCA là các tổ chức bao gồm các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực thuế và tư vấn thuế. Mục tiêu của AOTCA là hỗ trợ việc mở rộng hoạt động trong lĩnh vực thuế của các thành viên cùng khu vực cũng như hỗ trợ các tổ chức, cơ quan thành viên có liên quan. Nhật Bản là nước đầu tiên lập ra đại lý thuế từ năm 1942 và hiện có 74.000 hội viên. Tiếp sau đó là Hàn Quốc, hội kế toán thuế công ra đời được 51 năm với 10.000 hội viên; Trung Quốc, hội đại lý thuế ra đời muộn hơn (năm 1995) nhưng lại có số lượng hội viên lớn nhất khu vực, đạt con số 100.000 người. 
 
 
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Việt Nam đang nỗ lực cao nhất để hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về tài chính, thuế, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư hoạt động SXKD tại Việt Nam. Nhằm tránh đánh thuế trùng và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh đánh thuế hai lần với 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 58 hiệp định đã có hiệu lực thi hành. Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN (có hiệu từ 1/1/2014), trong đó bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho DN, thu hút và khuyến khích đầu tư. Theo đó, giảm nghĩa vụ thuế, mức thuế suất phổ thông giảm từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014 và kể từ ngày 1/1/2016 là 20%. Riêng DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% từ 1/7/2013. Mở rộng diện ưu đãi thuế và điều chỉnh mức độ miễn, giảm, ưu đãi thuế, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, lĩnh vực xã hội hóa, lĩnh vực hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn và các lĩnh vực cần thu hút đầu tư; bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp. Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn năm 2011-2020 với mục tiêu đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; chuẩn hóa quy trình quản lý thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; chống các hành vi chuyển giá, gian lận thuế, đồng thời giảm chi phí cho người nộp thuế và nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức đại lý thuế, khuyến khích làm thủ tục qua đại lý thuế. Mặc dù Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế khuyến khích tạo điều kiện cho các đại lý thuế phát triển nhưng đến nay, Việt Nam mới có 130 công ty được cấp phép hành nghề đại lý thuế. Nếu so sánh với trên 500.000 DN, 1,2 triệu hộ kinh doanh cá thể và hàng triệu người nộp thuế TNCN thì đây là con số quá nhỏ bé so với yêu cầu của người nộp thuế và là con số rất khiêm tốn khi so sánh với số lượng đại lý thuế tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trong AOTCA. 
 
 
Cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thuế quốc tế
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, trong thời đại toàn cầu hoá, cùng với các nỗ lực ở cấp độ quốc gia, vùng lãnh thổ thì việc liên kết, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để áp dụng mô hình chính sách, quản lý thuế tiên tiến của khu vực châu Á, châu Đại Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc tổ chức Hội nghị thường niên AOTCA và hội thảo thuế quốc tế là cơ hội tốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm trên nhiều phương diện. Đa phần các chủ đề hội thảo đề cập đều liên quan đến các nội dung mà Luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Việt Nam đang hướng đến chuẩn mực, như: áp dụng đầy đủ cơ chế quản lý theo rủi ro; khuyến khích, tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài đàm phán và ký kết thỏa thuận trước theo nguyên tắc xác định giá giao dịch (APA); các quy định của pháp luật chống trốn thuế; tình trạng sụt giảm về thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận nhằm tránh thuế; các tác động ảnh hưởng tới các đại lý thuế, nhà nhà tư vấn thuế. Không chỉ quan tâm đến khía cạnh quản lý thuế đúng chế độ mà hội thảo còn thảo luận sâu về biện pháp tăng cường quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế, chính sách ưu đãi thuế trong việc khuyến khích và thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, hội thảo này sẽ mang lại lợi ích chung cho cả cơ quan quản lý nhà nước, đại lý thuế và người nộp thuế.  
Ông Thomas Lee Chủ tịch AOTCA cho rằng, việc có một hệ thống đại lý thuế mạnh là rất cần thiết để nâng cao sự tuân thủ các quy định về thuế. Chính người tư vấn thuế đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc nâng cao nhận thức cho người nộp thuế, ngăn ngừa rò rỉ, thất thoát thuế. 
 
 
Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc khẳng định: hội thảo quốc tế về thuế là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Hội nghị thường niên AOTCA. Các chủ đề hội thảo rất phong phú, nhiều nội dung hấp dẫn, hữu ích đề cập đến tất cả các khía cạnh liên quan đến cơ quan thuế, người nộp thuế, tư vấn thuế và cả các điểm “nóng” về quản lý thuế đang được quan tâm. Các tham luận của các chuyên gia thuế quốc tế, của các thành viên trong hiệp hội sẽ đóng góp các kinh nghiệm quý báu để xử lý các vấn đề gay cấn, khó khăn đang diễn ra tại Việt Nam cũng như các nước thuộc AOCTA, đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam về việc phát triển hệ thống các DN cung cấp dịch vụ tư vấn thuế, đại lý thuế nhằm nâng cao tính tuân thủ, đảm bảo luật pháp thuế được thực thi một cách công bằng, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người nộp thuế./. 
Theo Tạp chí Thuế