Giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn để phát triển

05/28/2019 04:51:20 PM
Việc hỗ trợ mức thuế thu nhập cho DNNVV thấp hơn mức thuế suất thông thường là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. DNNVV cần tận dụng cơ hội này để khai thác thông tin, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh ưu thế của mình, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
DNNVV
DNNVV cần được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt để tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập. Ảnh: NNK

 

Bà Trần Thị Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sơn Tùng đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCO về vấn đề chính sách ưu đãi giảm thuế cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) xuống còn 15-17%.

*PV: Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN hỗ trợ, phát triển DNNVV. Theo đó, dự kiến sẽ miễn giảm thuế thu nhập DN từ mức 20% xuống còn 15-17% cho một số đối tượng DNNVV. Bà đánh giá như thế nào về tác động, ý nghĩa của ưu đãi này đối với sự phát triển của DN?

- Bà Trần Thị Thanh: Theo tôi, việc áp dụng chính sách hỗ trợ thuế TNDN cho các DNNVV là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về chính sách và công tác tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV hiện nay.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ mức thuế thu nhập cho DNNVV thấp hơn mức thuế suất thông thường là phù hợp với thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực đều có chính sách giảm thuế suất thuế TNDN cho các DNNVV như Bỉ, Canada, Nhật Bản, Malaysia...

 
 

Giảm thuế 

Bà Trần Thị Thanh

 

Đồng thời, giảm thuế TNDN cho các DNNVV được xem như là một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng mức độ tích lũy của DNNVV, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Bởi tuy việc này làm giảm thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn sẽ góp phần tạo điều kiện cho DN phát triển, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng số lượng DN thành lập mới. Khi đó, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên.

Theo tôi, DNNVV cần tận dụng cơ hội này để  khai thác thông tin, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh ưu thế của DN mình, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

*PV: Ở góc độ DN, theo bà để việc giảm thuế đúng và trúng đối tượng, cơ quan nhà nước cần làm gì?

Bà Trần Thị Thanh: Hiện nay, năng lực tiếp cận các văn bản và hệ thống pháp luật của DNNVV còn rất hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong khi nhu cầu tiếp cận thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật là rất cần thiết. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần bổ sung các hỗ trợ về pháp lý cho DNNVV, đồng thời có giải pháp cụ thể để thay đổi nhận thức, năng lực tiếp cận thông tin, cơ hội kinh doanh và công nghệ cho DN.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần cân nhắc lại tiêu chí doanh thu để giảm số lượng DN loại vừa được hỗ trợ, tránh giảm thu ngân sách lớn trong ngắn hạn, có thể xem xét bỏ đối tượng DN vừa, tập trung hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, trong đó bổ sung thêm thành phần các hộ kinh doanh và hợp tác xã.

Đặc biệt, việc hỗ trợ DNNVV cần theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế “xin-cho”, thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho DN. Cùng với đó, cần chế tài cụ thể đối với trường hợp cơ quan, cán bộ, công chức có hành vi trái luật, gây chậm trễ đối với DN.

* PV: Thưa bà, bên cạnh chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian tới, cộng đồng DNNVV cần sự hỗ trợ gì nữa để các DN phát triển hơn?

- Bà Trần Thị Thanh: DNNVV cần được nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, đồng bộ hoá cơ chế chính sách để đảm bảo tính khả thi của dự thảo như: Cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp cận tín dụng; hỗ trợ năng lực công nghệ; đào tạo, tư vấn và thông tin; xúc tiến mở rộng thị trường…

Điều đáng mừng là dự thảo Nghị quyết cũng xác định các biện pháp hỗ trợ mang tính chuyên biệt hướng tới những DNNVV có tiềm năng phát triển trong một số ngành, lĩnh vực là lợi thế của Việt Nam…

*PV: Xin cảm ơn bà!

 

Theo Thời báo Tài chính