Đại biểu góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Tăng tính khả thi cho các biện pháp quản lý thuế

05/28/2019 04:46:59 PM
Sáng 24/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Ảnh: ĐỨC MINH
Ảnh: Đức Minh

 

Đánh giá dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình khá toàn diện các ý kiến đóng góp trong thời qua, các đại biểu cũng tiếp tục thảo luận, bổ sung các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo luật.

Cưỡng chế thuế cần các quy định đồng bộ, khả thi

Quan tâm đến tính khả thi khi thực hiện các quy định về cưỡng chế thuế, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, dự thảo có quy định biện pháp cưỡng chế bằng cách trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, một cá nhân, một tổ chức rất dễ dàng mở nhiều tài khoản ở các tổ chức tín dụng (TCTD) khác nhau, ngoài các ngân hàng mà họ đã đăng ký với cơ quan thuế. Do đó, khi quyết định hành chính không được thi hành thì cơ quan chức năng thuế chỉ có thể nắm thông tin tài khoản tại các ngân hàng mà đối tượng đăng ký, còn ở các ngân hàng khác thì không thể biết được và cũng không có quyền nắm được các thông tin này như các cơ quan tố tụng, các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án vì các TCTD hoạt động theo pháp luật về TCTD.

Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung quy định tạo cơ chế cho cơ quan quản lý thuế có thực quyền nắm bắt thông tin tài khoản của đối tượng vi phạm hành chính về thuế, nợ thuế tại các TCTD ngoài các TCTD mà đối tượng đã đăng ký với cơ quan thuế. Kèm theo đó là trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc đề nghị cung cấp thông tin cũng như đề nghị tạm phong tỏa tài khoản và quy định trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp của các TCTD trong trường hợp này.

Một biện pháp cưỡng chế nữa được quy định tại dự thảo là thu tiền tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ. Theo đại biểu, quy định này khó khả thi, ngoại trừ bên thứ ba là ban quản lý dự án, cơ quan tài chính, kho bạc v.v... hay nói cách khác, bên thứ ba là “người của mình”, có phối hợp, hỗ trợ cơ quan thuế.

“Vấn đề ở đây là sự chưa đồng bộ liên kết giữa các quy định pháp luật với nhau, pháp luật về thuế thì quy định nhiều cơ chế, quyền hạn cho cơ quan thuế nhưng cơ chế, quyền hạn này không được đảm bảo ở những quy định pháp luật ở lĩnh vực khác. Nên muốn thực hiện được quy định như trên cần sửa đổi, bổ sung ở các quy định có liên quan như pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, xử lý vi phạm hành chính, kinh doanh.vv...” - đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận xét.

Giao cơ quan chịu trách nhiệm thuế xác minh nghĩa vụ thuế

Liên quan đến xử lý chậm nộp tiền thuế, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, dự thảo quy định mức tiền chậm nộp là 0,03%/ngày, theo lý giải là để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần cân nhắc để đảm bảo tính công bằng đối với các DN thực hiện nghiêm nghĩa vụ về thuế với Nhà nước, đồng thời tránh các DN lợi dụng mức lãi chậm nộp thấp để chây ì. Do vậy, đề nghị quy định mức tiền nộp chậm này phải bằng mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định trong từng thời gian, thời kỳ nhất định thì sẽ chặt chẽ, phù hợp hơn.

Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Thanh tra Nhà nước (TTNN) quy định tại Điều 21, Điều 22 dự thảo luật. Theo đại biểu, dự thảo lần này cơ bản xử lý được vấn đề khi có ý kiến khác nhau giữa cơ quan TTNN, KTNN với cơ quan quản lý thuế. Cùng ý kiến với một số đại biểu trước, đại biểu cho rằng hai nguyên tắc cần được tôn trọng là kết luận của KTNN phải được thực hiện và cơ quan nào sai người nộp thuế sẽ được khiếu nại, khởi kiện cơ quan đó.

Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về việc quyết định của KTNN không phải quyết định hành chính nên không đủ điều kiện để khởi kiện. Hơn nữa, khi cơ quan thuế ra quyết định xử phạt, người nộp thuế có ý kiến với quyết định này của cơ quan quản lý thuế, nên không rõ đối tượng khiếu kiện.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị sửa điểm b khoản 2 Điều 21, điểm b khoản 2 Điều 22 theo hướng TTNN, KTNN khi không trực tiếp thanh tra, kiểm toán người nộp thuế mà chỉ thanh tra, kiểm toán người quản lý thuế, nếu ra kết luận có kiến nghị về nghĩa vụ thuế đối với người nộp thuế thì không kết luận cụ thể mà chỉ nêu vấn đề và giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý thuế tiến hành làm việc với người nộp thuế để kiểm tra, xác minh chính xác nghĩa vụ thuế và yêu cầu người nộp thuế thực hiện. Nghĩa là cơ quan thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra theo kiến nghị của KTNN, TTNN. Đồng thời cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm báo cáo kết quả cho TTNN, KTNN./.

 

* Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh):

Tạo thuận lợi cho DN nhỏ và siêu nhỏ

 ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ

Đại biểu đồng tình cao với quy định mới trong dự thảo luật tại Điều 104 cung cấp dịch vụ làm thủ tục thuế của đại lý thuế, ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn thuế còn cung cấp dịch vụ kế toán cho các DN. Lý do bởi, việc bổ sung chức năng đại lý được làm kế toán cho các DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ đáp ứng nhu cầu cho thực tiễn của DN cũng như yêu cầu phát triển của đại lý thuế. Điều này đã giải tỏa được vướng mắc là DN muốn thuê ngoài dịch vụ kế toán kê khai thì buộc phải thuê 2 đơn vị, một đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế và một đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Theo đại biểu, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đặc biệt là DN nhỏ, siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đại biểu đề nghị cần có các tiêu chí phân loại hộ kinh doanh dựa theo quy mô, ngành nghề đăng ký để thực hiện công tác quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh.

 

* Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang):

Bổ sung chuyển giá, tránh thuế vào hành vi bị cấm

ĐB MA Thị Thúy 

Về hành vi bị cấm trong quản lý thuế tại Điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi chuyển giá, tránh thuế là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, để đảm bảo chặt chẽ trong quá trình quản lý thuế. Vì tại điểm b khoản 6 Điều 15 luật này quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan chức năng tăng cường công tác thẩm định dự án đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, tránh thuế. Như vậy, bên cạnh hành vi thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức cơ quan quản lý thuế để trốn thuế quy định tại khoản 1 điều này, một trong những vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực thuế là thất thoát ngân sách, là tình trạng chuyển giá, tránh thuế. Do vậy, cần thiết bổ sung nội dung chuyển giá, tránh thuế vào điều cấm.

 

* Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình):

Trách nhiệm ngân hàng trong cung cấp thông tin

ĐB Phạm Văn Tuân 

Đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm a, khoản 5 Điều 15 về trách nhiệm của NHNN, nội dung: Chỉ đạo hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của các tổ chức, cá nhân và phối hợp với các cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của luật này. Đồng thời, tại điều này, đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng, phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc kết nối, cung cấp thông tin của các cơ sở kinh doanh karaoke, mát xa, vũ trường, cơ sở lưu trú và kinh doanh sân golf.

 

Theo Thời báo Tài chính