Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng: Sửa Luật Hải quan theo hướng đơn giản, đồng bộ và đảm bảo tính khả thi

10/29/2013 02:21:26 PM
Sáng ngày 28/10, Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng đã có tờ trình QH về việc sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan, trong đó nhấn mạnh kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Hải quan hiện hành và và những nội dung sửa đổi trong dự luật được trình ra QH cho ý kiến tại kỳ họp này.

 

Kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai Luật Hải quan 
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luât Hải quan có hiệu lực từ 1/1/2002 và sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2005, đến nay sau 10 năm áp dụng, luật đã góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh danh, đảm bảo an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền quốc gia. Từ năm 2005, luật đã góp phần hiện đại hóa hoạt động hải quan, chuyển một bước từ quản lý thủ công sang hiện đại dựa trên ứng dụng CNTT và thủ tục hải quan điện tử - HQĐT; việc áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát gián tiếp bằng thu thập thông tin đã được tăng cường, giảm đáng kể việc tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, nếu năm 2005 tỷ lệ miễn kiểm tra chiếm 40,02%, kiểm tra thực tế 59,2% thì đến năm 2012, tỷ lệ miễn kiểm tra (phân luồng xanh) lên tới 63,2% kiểm tra hồ sơ (luồng vàng) chiếm 25,29% và kiểm tra thực tế (luồng đỏ) chỉ còn 11,46%. Kết quả đó đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của nền kinh tế với kim ngạch XNK tăng nhanh qua các năm. Theo đó, năm 2010 kim ngạch đạt 157 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm trước; năm 2011 đạt 203,1 tỷ USD, tăng 29,7%; năm 2012 đạt 228,3 tỷ USD, tăng 12,1%. 
 
Mặt khác, Luật Hải quan cũng đã tạo điều kiện đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đơn cử như năm 2010 cơ quan hải quan đã phát hiện số vụ vi phạm, bắt giữ và xử lý 11.150 vụ, thu nộp NSNN trên 680,1 tỷ đồng, năm 2011 là 18.666 vụ, thu trên 1.580 tỷ đồng; năm 2012 là 23.268 vụ, thu trên 2.400 tỷ đồng. Đặc biệt, trên cơ sở quy định trách nhiệm, quyền nghĩa vụ về việc tham gia quản lý thu, nộp thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu, ngành hải quan đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, năm 2006 thu NSNN đạt trên 61 nghìn tỷ đồng, năm 2012 số thu đã tăng lên trên 197,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần sơ với năm 2008.
Bộ trưởng tài chính cho rằng, mặc dù luật hiện hành đã đạt những kết quả khá tích cực, tuy nhiên cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều tồn tại, hạn chế, do thiếu sự phù hợp với các cam kết quốc tế, chưa đồng bộ với các luật khác, nhất là Luật Quản lý thuế; luật chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hóa hải quan để triển khai rộng rãi thủ tục HQĐT; quy trình kiểm tra, giám sát vừa thiếu, vừa bất cập so với thực tế phát sinh, dẫn đến cản trở việc ứng dụng CNTT trong quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó, luật hiện hành cũng chưa xác định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan hải quan, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn đối với hàng hóa XNK; chưa có cơ chế một cửa quốc gia để tiến tới một cửa ASEAN; chưa quy định cụ thể trong quy hoạch hệ thống cảng, cửa khẩu; chưa quy định quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức cá nhân tham gia quản lý, lưu giữ hàng hóa xuất khẩu như các DN kinh doanh cảng, kho, bãi, DN vận chuyển hàng hóa XNK...
 
Giảm thời gian kiểm tra, đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan
 
Theo người đứng đầu ngành tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, việc sửa đổi Luật Hải quan lần này sẽ cơ bản khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đồng bộ với các quy định liên quan, đảm bảo tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện; phù hợp với các cam kết quốc tế, gia tăng các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, tiến tới thực hiện hải quan một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao vai trò của cơ quan hải quan trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép và gian lận thương mại.
 
 
Một trong những thay đổi cơ bản nhất trong dự án luật sửa đổi là, việc khai khải quan về cơ bản sẽ thực hiện theo phương thức điện tử, theo đó việc kiểm tra hồ sơ sẽ được thực hiện theo hệ thống dữ liệu điện tử hải quan; các quy định về thủ tục, hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ hải quan, đăng ký tờ khai hải quan sẽ được sửa đổi cho phù hợp với thủ tục HQĐT và phù hợp với công ước Kyoto; đối với các loại hình hàng hóa có chung bản chất sẽ áp dụng chung thủ tục; đồng thời, bổ sung quy định về một số loại hàng hóa nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công hoặc sản xuất hàng hóa XNK của khu chế xuất, DN chế xuất, một số loại hình tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu.
 
Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan thì tới đây sẽ quy định rõ “công chức hải quan chỉ được kiểm tra hồ sơ chậm nhất 2 giờ làm việc và giảm thời gian kiểm tra thực tế xuống còn 8 giờ, trường hợp cần thiết phải gia hạn thì tối đa không quá 2 ngày làm việc; giảm giấy tờ không phải nộp, trước đây bắt buộc phải có 5 loại chứng từ, tới đây sẽ chỉ còn duy nhất tờ khai hải quan là giấy tờ bắt buộc, còn các chứng từ khác sẽ được quy định cụ thể, phù hợp với quy định chuyên ngành”. Mặt khác, luật hiện hành chưa quy định về quản lý rủi ro thì tới đây sẽ có quy định cụ thể việc quản lý rủi ro trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá rủi ro về hoạt động XNK, hàng hóa, về thuế, chính sách quản lý mặt hàng để phân loại, kiểm tra, từ đó tạo điều kiện để cơ quan hải quan tập trung nguồn lực kiểm tra, giám sát đối với những địa bàn, DN, lĩnh vực có rủi ro cao.
 
Đi liền với các quy định trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, dự thảo luật sẽ bổ sung quy định kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh phân cấp kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đưa nhanh hàng hóa vào sản xuất lưu thông trên cơ sở tuân thủ pháp luật, đảm bảo quản lý và ngăn chặn được gian lận thương mại.
Theo Tạp chí Thuế