"Bà Tân Vlog" nộp thuế ra sao khi có thể kiếm đến 1,4 tỉ đồng/tháng?

01/05/2021 10:32:40 AM
Kênh YouTube Bà Tân Vlog có thể kiếm tiền từ khoảng 89,7 triệu - 1,4 tỉ đồng trong vòng 30 ngày qua (số liệu từ Social Blade). Vậy bà Tân Vlog nộp thuế ra sao?

Kênh Bà Tân Vlog hiện đang có 4 triệu người theo dõi bà bắt đầu bật chức năng kiếm tiền từ ngày 7.6.2019. Thống kê mới nhất từ Social Blade, chuyên trang thống kê độc lập về các nền tảng mạng xã hội, cho thấy trong 30 ngày gần nhất, kênh Bà Tân Vlog đạt khoảng 15.502 triệu lượt xem.

Theo Social Blade, thu nhập từ YouTube của bà Tân Vlog là khoảng 3.900-62.000 USD/ tháng (tương đương khoảng 89,7 triệu - 1,4 tỉ đồng).

Trong một năm, số tiền Bà Tân Vlog bỏ túi có thể từ 46.500 USD đến 744.100 USD (tương đương khoảng hơn 1 tỉ đồng đến hơn 17 tỉ đồng).

Số liệu thống kê từ kênh Bà Tân Vlog trên Social Blade. Ảnh chụp màn hình
Số liệu thống kê từ kênh Bà Tân Vlog trên Social Blade. Ảnh chụp màn hình

Theo quy định, cá nhân thu nhập từ YouTube tại Việt Nam có nghĩa vụ đóng thuế với mức 7% trên tổng doanh thu. Thuế thu nhập từ YouTube tại Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với các quốc gia khác. Ví dụ ở Mỹ, thuế thu nhập từ Youtube có thể lên tới 30%.

Tuy nhiên, sự thật Bà Tân Vlog chính xác thu nhập bao nhiêu, đóng thuế như thế nào vẫn chỉ là do chuyên gia tự tính toán chứ chưa có số liệu cụ thể từ cơ quan thuế.

Theo Social Blade, thu nhập từ YouTube của bà Tân Vlog là khoảng 89,7 triệu - 1,4 tỷ đồng trong vòng 30 ngày qua. Ảnh Phương Anh.
Theo Social Blade, thu nhập từ YouTube của bà Tân Vlog là khoảng 89,7 triệu - 1,4 tỉ đồng trong vòng 30 ngày qua. Ảnh Phương Anh.

Với hàng triệu lượt xem cho mỗi video, các kênh của gia đình bà Tân Vlog như: Hưng Vlog, Bà Tân Vlog, Hưng Troll... có thể thu hàng trăm triệu mỗi tháng. Do đây là khoản thu nhập rất lớn nên “Vũ trụ Vlog gia đình nhà bà Tân” bất chấp việc vấp phải không ít chỉ trích và cố tình sản xuất các video có nội dung nhảm nhí, nội dung giật gân để kiếm tiền. Thậm chí, kênh Hưng Vlog từng đăng tải video có nội dung dạy cách trộm tiền trong heo đất hay “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông” đã vấp phải phản ứng gay gắt của người xem.

Trao đổi với PV báo Lao Động, đại diện Tổng Cục thuế cho biết “Hiện nay việc truy thu thuế của các YouTuber vẫn áp dụng theo Thuế thu nhập cá nhân. Trách nhiệm kê khai thuộc về người có thu nhập. Gần đây Tổng cục thuế phối hợp với Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước trao đổi thông tin về các giao dịch bất thường và các khoản thu nhập bất thường. Trên cơ sở thông tin đó, Tổng Cục thuế sẽ giao xuống cho các Chi cục thuế mời cá nhân đó lên đối chứng và thu nộp thuế”.

Vậy đâu là cơ sở để cơ quan thuế truy thu thuế từ YouTuber? Đại diện Tổng Cục thuế cho biết: “Dựa vào thông tin từ giao dịch bất thường, cơ quan thuế sẽ đối chứng với người có thu nhập đó. Ngoài ra, người có thu nhập có trách nhiệm kê khai. Nếu cơ quan thuế phát hiện có dấu hiệu trốn thuế, không kê khai đầy đủ thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính đến xử lý hình sự”.

Như vậy, có thể hiểu hiện nay việc khai thuế này hoàn toàn dựa vào tinh thần tự giác của YouTuber. Theo quy định, tội trốn thuế là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng, tội trốn thuế đã được sửa đổi về số tiền trốn thuế trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung, với hình phạt nghiêm khắc nhất là 7 năm tù và phạt tiền 4,5 tỉ đồng.

Để bật được chức năng kiếm tiền trên YouTube, chủ kênh đó phải đảm bảo những điều kiện cơ bản như đạt 4.000 giờ xem và 1.000 subscribers trong vòng 12 tháng gần nhất. Càng nhiều lượt xem, các nhà sản xuất nội dung sẽ càng kiếm được nhiều tiền từ YouTube. Số tiền YouTube trả cho một kênh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Video có bao nhiêu quảng cáo; quảng cáo xuất hiện trong video thuộc thể loại quảng cáo gì; người xem video có nhấn vào quảng cáo để đến trang giới thiệu sản phẩm đó; người xem video đang sống ở quốc gia nào...

 

Theo Laodong.vn