Nghị định 132 quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết: Hạn chế doanh nghiệp có vốn quá mỏng

01/05/2021 10:32:45 AM
Nguyên tắc xuyên suốt của Nghị định 132/2020/NĐ-CP là không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, nghị định cũng hạn chế tình trạng vốn mỏng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Doanh nghiệp chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi vượt trần chi phí lãi vay 30%.
Doanh nghiệp chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi vượt trần chi phí lãi vay 30%.
 

 Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết như vậy khi bàn về  Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp giao dịch liên kết có đối tượng điều chỉnh cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp trong nước cũng có giao dịch liên kết

Trước ý kiến băn khoăn cho rằng, doanh nghiệp trong nước có thời gian hoạt động ngắn hơn các doanh nghiệp nước ngoài rất nhiều, nhưng Nghị định 132 áp dụng đối với cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước thì có đảm bảo công bằng hay không? Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, từ khi ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP, đến Nghị định 68/2020/NĐ-CP, Nghị định 132 đều áp dụng nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. “Xu hướng chung là các doanh nghiệp đa quốc gia có liên kết để chuyển giá ra nước ngoài, nhưng trong thực tế có cả doanh nghiệp trong nước cũng có giao dịch liên kết” - ông Minh cho biết.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện nay có khá nhiều tập đoàn, tổng công ty trong nước đầu tư ra nước ngoài. “Khi đã đầu tư ra nước ngoài, có liên kết với các công ty nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước cũng phải tuân thủ theo các quy định về giao dịch liên kết” - ông Minh nói.

Minh chứng cho sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động giao dịch liên kết đối với các doanh nghiệp trong nước, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam có rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế, có chính sách ưu đãi theo địa bàn, có chính sách ưu đãi theo lĩnh vực. “Một tập đoàn trong nước hiện nay cũng hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Khi có sự chênh lệch về thuế giữa các lĩnh vực với nhau và có giao dịch liên kết sẽ phát sinh vấn đề chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp tại địa bàn có thuế suất cao sang địa bàn có thuế suất thấp. Đây là một thực tế, cần phải có biện pháp để đảm bảo việc ưu đãi đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng lĩnh vực, không thể vì quan hệ liên kết của các doanh nghiệp mà vận dụng chính sách ưu đãi thuế không đúng” - ông Minh nói.

Một hình thức chuyển giá khác, đó là chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ để né thuế. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngay cả không có chênh lệch lãi suất thì vẫn có thể né thuế thông qua các hoạt động chuyển giá, giao dịch đối với bên liên kết để chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ. Xuất phát từ tình hình thực tế này mà nghị định đưa ra nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Khắc phục tình trạng vốn mỏng

Đề cập đến câu chuyện công ty mẹ cho công ty con vay vốn, thậm chí là trả tiền điện thì vẫn bị đánh thuế. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 132 quy định, chỉ khi nào doanh nghiệp vượt trần chi phí lãi vay (30%) mới phải chịu sự điều chỉnh của nghị định này. Trong thực tế có nhiều doanh nghiệp phải đi vay vốn để hoạt động, nhưng nếu vốn vay chưa vượt ngưỡng theo quy định thì không phải nộp thuế.

“Pháp luật quy định khi thành lập pháp nhân thì doanh nghiệp phải có vốn pháp định, hay vốn điều lệ tối thiểu để hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ thuộc vào vốn vay, thì sẽ dẫn đến rủi ro cho cả hệ thống. Do đó, để đảm bảo an toàn, hoạt động vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, pháp luật đã có quy định rất rõ để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể phát triển” - ông Minh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khi thành lập có vốn mỏng, phải đi vay ngân hàng. Nếu đầu tư không hiệu quả, dẫn đến phá sản thì rủi ro không chỉ đến với bản thân doanh nghiệp đi vay, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. “Theo quy định của pháp luật, nếu là công ty TNHH thì họ chỉ chịu trách nhiệm trên giá trị tài sản của họ, vì thế nếu không có quy định về mức vốn tối thiểu của một doanh nghiệp sẽ dẫn đến rủi ro hệ thống, hệ quả sẽ rất lớn. Do đó, Bộ Tài chính đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này” - ông Minh nói.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, Nghị định 132 không chỉ nhắm đến mục tiêu hạn chế vốn mỏng đối với các doanh nghiệp, mà còn nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. “Trong một chính sách có nhiều mục tiêu, trước hết là kiểm soát về việc chuyển giá, cũng như chuyển lợi nhuận thông qua chuyển giá để giảm nghĩa vụ thuế. Đồng thời chính sách này còn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc lành mạnh hóa hoạt động, hạn chế việc sử dụng vốn mỏng, gây hậu quả lâu dài sau này” - ông Minh nói.

Công ty chứng khoán không được loại trừ

Đề cập đến lý do các công ty chứng khoán không được loại trừ khi xác định đối tượng doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các công ty chứng khoán đóng vai trò trung gian cho các hoạt động đầu tư.

“Khi quy định vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã cân nhắc kỹ và Chính phủ đã quyết định trong phạm vi loại trừ thì không áp dụng đối với công ty chứng khoán để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, lĩnh vực chứng khoán cũng là lĩnh vực có rủi ro, dễ dẫn đến rủi ro cho cả hệ thống” - ông Đặng Ngọc Minh cho biết.

 

Theo Thời báo Tài chính