Hỏi - Đáp (Thuế TNCN_24.03.2014)

03/24/2014 11:14:35 AM

 

Câu 1: Trường hợp một số người LĐ tại thời điểm cuối  năm 2013 và thời điểm quyết toán thuế đã có hợp đồng lao động trên 3 tháng, hàng tháng được khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2013, người LĐ này thực hiện công việc theo hình thức hợp đồng cộng tác viên (công việc khoán 1 lần, không phải là thử việc) và được khấu trừ thuế TNCN 10%.

 

Như vậy, khi quyết toán thuế TNCN người LĐ này phải quyết toán thuế như thế nào? Tính tổng cộng 2 loại thu nhập trên và áp dụng biểu thuế lũy tiến hay tách riêng 2 loại thu nhập (tiền lương tiền công theo biểu lũy tiến và thu nhập cộng tác viên 10%)

 

Trả lời:

 

Trước hết, theo khoản 1.1, Điều 1, Mục II, công văn số 336/TCT- TNCN ngày 24 tháng 01 năm 2014 thì cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm thuộc trường hợp ủy quyền quyết toán thuế (cty nơi trả thu nhập sẽ quyết toán thuế TNCN thay cho người lao động).

 

Trong 2 tháng cộng tác viên thì cty trả thu nhập có thể khấu trừ thuế 10% tại nguồn (do chưa biết chắc những LĐ này có ký Hợp đồng Lao động với cty hay không).  Nhưng khi quyết toán, thì phải tính gộp đủ thu nhập 12 tháng năm 2013 và áp dụng khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

 

Câu 2: “Các anh chị cho em hỏi, khi làm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2013 đơn vị em sẽ phải tính thuế suất như thế nào? (20% cho cả năm hay là 25% x lợi nhuận (LN) của 6 tháng đầu năm + 20% x LN của 6 tháng cuối năm). Em đang làm báo cáo tài chính mà không biết xử lý như thế nào, mong các anh chị giúp em với. Xin trân trọng cảm ơn!”

 

Trả lời
 

Câu hỏi của Bạn chưa nêu rõ DN của Bạn có quy mô doanh số thuộc loại nào, vì vậy, xin được trả lời mang tính nguyên tắc như sau:

 

Theo quy định của Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 (Khoản 6, Điều 1 và Khoản 2, Điều 2) thì DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%. Quy định này có hiệu lực kể từ 01/07/2013. Nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định 92/2013/NĐ-CP ngày 13/08/2013 và được hướng dẫn tại Thông tư số 141/2013/TT-BTC ngày 16/10/2013 của Bộ Tài chính.

 

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp DN của Bạn thuộc loại DN có mức doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng và được áp dụng mức thuế suất 20% từ ngày 01/07/2013 thì việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 141/2013/TT-BTC (Điều 1, Chương I) và Công văn số 3693/TCT-CS của Tổng cục thuế hướng dẫn thực hiện quyết toán thuế năm 2013.

 

Nếu DN của Bạn thuộc loại DN có mức doanh thu năm trên 20 tỷ đồng thì áp dụng mức thuế suất 25%. Kể từ 01/01/2014 thì sẽ áp dụng mức thuế suất phổ thông 22% và kể từ ngày 01/01/2016 sẽ áp dụng thuế suất phổ thông là 20%.
 

 

Câu 3: “Tại Thông tư sô 111/2013/TT-BTC  (Mục c.2.3, Tiết c.2, Điểm c, Khoản 1, Điều 9) quy định về việc giảm trừ gia cảnh. Vậy, nếu tôi kê khai đăng ký người phụ thuộc tại thời điểm tháng 10/2013, nhưng nghĩa vụ nuôi dưỡng thì bắt đầu từ tháng 05/2013 (theo Giấy khai sinh, là con ruột) thì khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2013 tôi được giảm trừ từ tháng 5/2013 hay tháng 10/2013?”

 

Trả lời:
 

Điểm c.2 khoản 1 Điều 9 TT 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 hướng dẫn về thuế TNCN quy định: Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

 

Căn cứ quy định nêu trên anh/chị được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ khi đăng ký và khi quyết toán thuế anh/chị được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

 

Câu 4: Theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 đã bãi bỏ Điều 2,3 trong Nghị định số 92/2013/NĐ-CP rồi. Cụ thể DN áp dụng thuế suất 20% được tính kể từ ngày 01/01/2014. Theo hướng dẫn trên được tính từ ngày 01/7/2013. Vậy có mâu thuẫn không?”.

 

Trả lời:
 

Điều này không mâu thuẫn vì: Nghị định số 92/2013/NĐ-CP áp dụng trong thời gian từ ngày 1/7/2013 đến ngày 31/12/2013. Nghị định 218/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2014 và áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2014 trở đi.

 

Câu 5: “Chào Ban biên tập. Em đang là công nhân thời vụ cho 1 công ty liên doanh. Mỗi tháng em chỉ có thu nhập là 2.000.000đồng. Công ty yêu cầu em phải đóng thuế thu nhập cá nhân hàng tháng là 10% tương đương là 200.000đồng. Em xin hỏi ban biên tập, điều đó có đúng với bộ luât lao động hiện hành hay không?”.

 

Trả lời: 
 

Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN quy định:

 

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại Điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

 

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

 

Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

 

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

 

Trên đây là những tư vấn của chuyên gia thuế về các vấn đề bạn đọc hỏi. Chúng tôi cũng nhận được một số câu hỏi tương tự, bạn đọc có thể tham khảo theo hướng dẫn của chuyên gia thuế như trên.
 

Mọi vấn đề liên quan đến thuế TNDN và thuế TNCN đều đã được quy định khá rõ ràng trong các văn bản chính sách, chế độ mới về các sắc thuế, bạn đọc có thể nghiên cứu kỹ tại các văn bản đó và có thể hỏi qua số điện thoại, đường dây nóng của cơ quan thuế tại các cục thuế địa phương nơi sinh sống để được giải đáp cụ thể, kịp thời.

Theo FinancePlus.vn + VTCA