Các giải pháp đẩy nhanh cải cách hành chính thuế tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh

07/25/2014 04:49:41 PM
Ngày 09 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Tổng cuc Thuế bàn về “Các giải pháp đẩy nhanh cải cách hành chính thuế tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.

 

Cùng tham dự còn có Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tài chính, lãnh đạo các Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Phòng Thương mại công nghiệp Việt nam. Bà Nguyễn Thị Cúc Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cũng đến tham dự và có bài phát biểu theo lời mời của Văn phòng Chính phủ. Ông Nguyễn Đình Cư, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VTCA cũng đến dự buổi họp này.

 

VTCA trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phát biểu của Bà Nguyễn Thị Cúc tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Tổng cục thuế

 

       Kính Thưa :

 

-         Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

 

-         Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

 

-         Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Bùi văn Nam và quý vị đại biểu.

                

Trước hết Hội tư vấn thuế Việt Nam nhất trí cao với báo cáo về công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế của ngành thuế do đ/c Tổng cục trưởng Tổng cục thuế trình bày cả về đánh giá thực trạng công tác quản lý cũng như định hướng và biện pháp triển khai thực hiện..

 

Trước hết, không thể phủ định sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới cải cách  hệ thống chính sách thuế cũng như thủ tục hành chính thuế của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và ngành thuế trong thời gian qua theo nội dung báo cáo đã tóm lược. Hội Tư vấn thuế có cơ hội tiếp xúc nhiều với cộng đồng doanh nghiệp, được trực tiếp nghe nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nhận xét, đánh giá cao về sự đổi mới này.

 

Trong những năm qua, đặc biệt là trong các năm 2013 và 2014, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ động trình lên Chính Phủ, Quốc Hội nhiều kiến nghị nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp: các gói giải pháp về miễn giảm, gia hạn thuế. Sửa đổi bổ sung các Luật thuế TNDN; thuế TNCN nhằm giảm điều tiết về thuế. Nới rộng nhiều khoản chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế như: nâng mức khống chế phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… từ 10% lên 15%, thay đổi về thuế suất thuế TNDN (đã được giảm từ 25% xuống 22%, doanh nghiệp nhỏ xuống 20%), mở rộng diện ưu đãi, miễn giảm thuế trong đó có ưu đãi thuế do đầu tư mở rộng; lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh … sửa đổi Luật GTGT, Luật quản lý thuế ... điều chỉnh một số nội dung thuận lợi hơn cho doanh nghiệp như: không còn khống chế, kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong 6 tháng, rút ngắn thời gian hoàn thuế từ 15 ngày xuống 6 ngày, cho phép kê khai, điều chỉnh thuế GTGT đầu vào của hóa đơn chứng từ trả chậm vào tháng 12… thay vì các tháng như trước kia.

 

Cùng với việc sửa đổi hệ thống chính sách, quản lý thuế, cơ sở hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu ... phục vụ cho khai thuế điện tử, quản lý thuế theo cơ chế rủi ro cũng được tiến triển nhanh. Công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thực hiện tốt tại cục thuế TP Hồ Chí Minh, Cục thuế Hà nội ... Triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/11, Tổng cục Thuế đã ban hành Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam kèm theo Quyết định số 1766/QĐ-TCT ngày 1/11/2012, trong đó xác định những giá trị mà ngành Thuế luôn coi trọng, xây dựng và gìn giữ lâu dài, đó là Minh bạch-chuyên nghiệp-liêm chính và đổi mới, nhằm đảm bảo việc minh bạch chính sách thuế, minh bạch công tác quản lý thuế; Công khai đầy đủ, rõ ràng tất cả thủ tục hành chính thuế từ Trung ương đến địa phương; Luôn luôn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Công chức, viên chức thuế phải là những người có đầy đủ năng lực, kiến thức chuyên môn, được đào tạo bài bản và thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức, văn hoá công sở, kỹ năng làm việc thành thạo, tậm tâm trong công việc, thân thiện với người nộp thuế và coi người nộp thuế là đối tượng để phục vụ.

 

Như vậy, cam kết của ngành thuế đã thể hiện quyết tâm cải cách ở tất cả mọi phương diện nhằm hướng đến phục vụ người nộp thuế cả về giác độ chính sách, quan điểm, mục tiêu, cả về biện pháp quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế.

 

Mặc dù ngành thuế đã cố gắng cải tiến rất nhiều nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như đã nêu tại báo cáo... Đã từng là lãnh đạo của ngành thuế nên tôi thấu hiểu được sự bức xúc, trăn trở, day dứt của lãnh đạo Bộ Tài chính, ngành thuế về những tồn tại của ngành thuế mà Lãnh đạo đã đánh giá, nhìn nhận trong những năm qua. Muốn thay đổi cần làm rõ nguyên nhân tồn tại. Hội tư vấn thuế xin làm rõ thêm một số vấn đề như sau:

 

I. Đánh giá tình hình quản lý thuế và cải cách thủ tục HC thuế

 

1.Về chính sách thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện:

 

- Các văn bản hướng dẫn thực hiện còn thiếu sự rõ ràng, minh bạch, khó để thực hiện đúng và còn ôm đồm nhiều nội dung vào chính sách thuế. Ví dụ: Vấn đề thuế GTGT đối với hàng quảng cáo khuyến mãi, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền mới được không tính thuế GTGT đầu ra, nếu khuyến mại mà không cung cấp giấy tờ chứng minh đã đăng ký với sở công thương thì phải nộp thuế GTGT khi khuyến mại. Nếu doanh nghiệp vi phạm Luật thương mại thì trách nhiệm của Bộ Công Thương phải xử phạt. Còn thuế GTGT thì không phải nộp sẽ hợp lý hơn và giảm thiểu thủ tục hành chính khi xuất trình để tính thuế cho DN rất nhiều và giảm cả chi SXKD do không phải nộp thuế đầu ra. Hoặc vấn đề thuế TNCN của các khoản lợi ích của người lao động như: chi phí điện thoại, xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, văn bản hướng dẫn hoàn toàn không có tính khả thi (xe đi chung không tính thuế, xe đưa riêng từng người phải tính thuế TNCN), nhưng không hướng dẫn cách xác định thu nhập tính thuế như thế nào, ví dụ: khấu hao xe, lương lái xe.... Thông tư cũ hướng dẫn loại xe đang đi, định mức tiêu hao xăng, độ dài từ nhà đến cơ quan để tính thu nhập tính thuế từ tiền xăng. Văn bản mới yêu cầu thu nhưng không hướng dẫn thu như thế nào? Mặt khác, đối tượng thu không lớn vì cán bộ công chức, LLVT ... đã miễn thu vì vậy nên soạn thảo Luật theo hướng rõ ràng để cả cơ quan thuế và địa phương hiểu và thực hiện thống nhất. Tiền điện thoại dùng chung cả công việc, cá nhân áp dụng cơ chế khoán đã được quy định tại cơ chế tài chính của doanh nghiệp phải chịu thuế.  

 

- Vấn đề ưu đãi thuế rất phức tạp vì cán bộ thuế địa phương lo lắng phải làm sai nên thường đảm bảo an toàn thì lại khó cho doanh nghiệp trong việc xác định điều kiện để hưởng ưu đãi đầu tư...

 

- Văn bản hướng dẫn về thuế còn tập trung quá nhiều vào việc đóng các kẽ hở nhỏ, ngăn chặn các doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của việc lập DN, sử dụng HĐCT để gian lận thuế, đã vô hình chung ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lớn, làm ăn đứng đắn. Do vậy, thiệt hại chung sẽ lớn hơn lợi ích thu được. Ví dụ như vấn đề tính thuế, hoàn thuế GTGT, hóa đơn chứng từ mua bán với  hàng hóa nông lâm thủy hải sản chưa qua sơ chế... Luật thuế còn thiếu các nguyên tắc, chuẩn mực chung mà nặng vào tiểu tiết, giải quyết các trường hợp nhỏ lẻ nên rất phức tạp, khó giải quyết được vấn đề, hoặc giải quyết được vấn đề này thì nảy sinh vấn đề khác. Cũng vì thiếu nguyên tắc cơ bản nên cả cơ quan thuế địa phương và doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi giải quyết các trường hợp đặc biệt vì qui định không rõ, ai hiểu thế nào cũng đúng theo lý của mình.

 

- Văn bản ban hành chậm làm khó khăn, thiệt cho doanh nghiệp, ví dụ, Luật thuế TNDN sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014 nhưng Thông tư hướng dẫn ký ngày 18/6/2014. Tuy DN vẫn được áp dụng thuế suất mới từ năm 2014 nhưng các vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt cho các hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên từ 1/1/2014 không được trừ khi tính thuế TNDN, việc xác định các chi phí thay đổi có lợi hơn cũng chưa được hướng dẫn rõ ràng.

 

2. Về quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra.

 

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp ngày 28/4/2014 và báo cáo của Tổng cục thuế đề cập khá kỹ nội dung này, vì vậy chúng tôi chỉ làm rõ thêm một số nội dung: do quy định tại các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện vẫn còn rất phức tạp và mất thời gian, mà một khi luật đã đưa ra các yêu cầu về chứng từ, thủ tục thì khi hướng dẫn kê khai phải tuân thủ theo không làm khác được. Thậm chí khi doanh nghiệp, cơ quan thuế đã ứng  dụng công nghệ thông tin cao, chuyển sang giao dịch qua mạng nhưng vẫn phải chiết xuất từ máy, in ra hàng tháng, ký tên đóng dấu các sổ sách, hợp đồng,... kể cả tờ khai thuế nộp qua mạng, vẫn có bản giấy, ký tên đóng dấu nộp sau.

 

Hệ thống mã số thuế, thông tin về thuế TNCN được Tổng cục thuế nâng cấp khá hiện đại, tuy nhiên ứng dụng đối chiếu để kê khai, quyết toán của các cá nhân chưa tốt.

 

Quy dịnh về hồ sơ thủ tục hoàn thuế, giảm thiểu số ngày  hoàn thuế để tạo thuận lợi cho DN nhưng việc lượng hóa các bước xử lý, giấy tờ chưa rõ nên doanh nghiệp mất thời giam, thậm chí một số doanh nghiệp mất cả tiền bạc mới có được tiền hoàn thuế.

 

II.  Giải pháp và đề xuất kiến nghị

 

1. Giải pháp

 

Nhóm 2: trong nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính thuế, đề nghị bổ sung thêm:

 

Pháp quy hóa các thủ tục về quản lý thuế: Đề nghị bổ sung thêm lượng hóa thủ tục, hồ sơ cụ thể đối với từng khâu hoàn thuế, quyết toán thuế... và công khai với người nộp thuế các hồ sơ thủ tục để giảm thiểu rủi ro cho cả NNT và cán bộ thuế.

 

Nhóm 9: Đẩy mạnh phát triển đại lý thuế, giúp DN thực hiện các thủ tục hành chính thuế qua đại lý thuế. Đây là một trong những nội dung của quyết định số 420/QĐ-BTC ngày 03/03/2014 của Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch phát triển hệ thống ĐLT đến năm 2020, trong đó đã đưa ra các tiêu chí số lượng đại lý thuế cụ thể cho từng giai đoạn, đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ thuế, người nộp thuế về sự cần thiết, lợi ích do sử dụng dịch vụ đại lý thuế mang lại. Việc sử dụng đại lý thuế vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí kê khai, nộp thuế cho DN vừa nâng cao hiệu quả cho công tác thuế.

 

- Hiện nay chúng ta có 177 công ty Đại lý thuế (thay mặt NNT làm các thủ tục tính, kê khai, xác định thuế hoàn, nộp..) trong đó 72%  ở Hà Nội (62 ĐLT) và TP HCM (65 ĐLT).  Một số ĐLT ở thành phố HCM đã khai thuế cho trêm 300 DN vừa và nhỏ. Ở Quảng ninh có ĐLT Cường Linh khai thuế cho trên 100 DN.

 

Ở Nhật bản 93% DN vừa và nhỏ, Hàn quốc. 96 % DN khai thuế qua Đại lý thuế .

 

Cũng theo QĐ 420/QĐ-BTC, năm 2015 sẽ trình Chính phủ ban hành  Nghị định về Đại lý thuế và năm 2015- 2010 trình Quốc hội ban hành Luật Đại lý thuế (hiện nay mới có Thông tư hướng dẫn Điều 25 của Luật Quản lý thuế  quy định về ĐL thuế).

 

2. Kiến nghị, đề xuất

 

-Về chính sách thuế:

 

Nhất trí các kiến nghị của Tổng cục thuế riêng về phần kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật thuế TNCN theo hướng thống nhất một cách tính thuế TNCN đối với chuyển nhượng BĐS thay vì 2 cách tính 25% trên thu nhập và 2% trên giá trị chuyển nhượng. Chúng tôi thấy cần cân nhắc thêm, vì nếu áp dụng nộp thuế 2% trên giá trị chuyển nhượng thì sẽ phát sinh trường hợp BĐS rớt giá, cá nhân thua lỗ vẫn phải nộp 2% sẽ gây khó thêm cho các CN cũng như kinh doanh BĐS. Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tránh cán bộ thực thi gây phiền hà, chúng tôi đề nghị cho NNT được lựa chọn 1 trong hai cách như áp dụng đối với chuyển nhượng chứng khoán thì phù hợp hơn.

 

Ngoài ra, cần lượng hóa các khoản lợi ích vật chất của cá nhân phải chịu thuế: chỉ liệt kê các khoản thu thuế, không điều chỉnh cho tất cả các khoản lợi ích vật chất không đo đếm, tính cụ thể được, bỏ thu thuế đối với xe đưa đón từng người lao động phải tính TN chịu thuế.

 

Sửa đổi thuế GTGT, TNDN theo hướng rõ ràng minh bạch, không ôm đồm.

 

- Kiến nghị về thủ tục hành chính thuế:

 

Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đối với ngành thuế: Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6[1] (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm). Trong đó Brunei: 96 giờ, Singapore: 82, Indnesia: 259, Thái lan 264, Philppines 193.

 

Chỉ tiêu 171 giờ/năm là quá cao đối với thực tiễn Việt Nam.

 

Giờ nộp thuế theo cách tính của WB là bao gồm cả thuế và BHXH.  Trong đó thuế 537g và BHXH 335 giờ. Hội tư vấn thuế Việt nam được sự phối hợp, trợ giúp của Tổ chức USIAD, cùng nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục trao đổi với Tổng cục thuế, TC Hải quan, BHXH để nghiên cứu, khảo sát, đề xuất kiến nghị giải pháp triển khai NQ số 19/NQ-CP .

 

-Kiến nghị về nhân lực của ngành thuế:

 

Theo báo cáo của Tổng cục thuế hiện có 40.598 cán bộ công chức thuế, trong đó 32 500 người quản lý thuế với 20% số thu của ngành thuế QL là chưa hợp lý. Vấn đề cán bộ báo cáo của Tổng cục thuế đã đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc. Tuy nhiên, ngoài các giải pháp mà TCT đã kiến nghị, chúng tôi xin kiến nghị thêm một giải pháp mới đó là: Khoán biên chế, khoán  chi cho ngành thuế nhưng cho phép cơ quan thuế giảm biên chế, hoặc không tăng thì vẫn cho giữ quỹ lương khoán, cơ quan thuế sẽ dùng quỹ lương giảm, tiết kiệm biên chế này để trả thêm lương cho các cán bộ công chức thực hiện tốt  nhiệm vụ.  Nếu cơ chế khoán  nhưng theo số lượng người thì không thể tinh giảm biên chế công chức Nhà nước. Cũng có ý kiến cho là hiện ngành thuế là một trong một số ngành đã được cơ chế khoán thí điểm, lương gần hai lần so với công chức khác... nhưng trong thực tế một số ngành như thuế, hải quan, công an.... cần có bước đột phá trong cải cách tiền lương để đảm bảo dưỡng liêm và xử lý nghiêm minh khi vi phạm. Cán bộ thuế thường có trình độ cao, có kinh nghiệm... nên được các doanh nghiệp mời chào... Công chức vào ngành không phải chỉ vì tiền, nhưng khi chúng tôi đọc thư của một cán bộ tin học giỏi, thi tuyển vào cục tin học Tổng cục thuế, phải ra đi vì không đủ tiền trả tiền nhà nuôi con.... cũng thấy xót xa. Vậy biện pháp tăng thu nhập, tăng kỷ cương, trách nhiệm cũng là việc cần  mạnh dạn vượt rào cản bình quân chung để thực hiện.

Theo VTCA