VTCA tập hợp các vướng mắc về hóa đơn, chứng từ

06/13/2015 03:52:37 PM

 

Kính gửi: Quý hội viên, doanh nghiệp

 

Để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

 

Ngày 12/3/2015 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016.

 

Về lĩnh vực thuế, các mục tiêu chủ yếu Nghị quyết 19/NQ-CP 12/3/2015 đặt ra trong đó có:

 

- Năm 2015 rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, năm 2016 đạt mức của Asean 4 là 119 giờ/năm.

 

- Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân, nhất là thủ tục hành chính có liên quan đến các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

 

- Nghiên cứu ban hành quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức hành nghề đại lý thuế. Xây dựng cơ chế đánh giá của các tổ chức xã hội dân sự, của người nộp thuế về chính sách và các thủ tục hành chính thuế, đánh giá về chất lượng quản lý của cơ quan thuế và cán bộ thuế.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại các NQ 19/NQ-CP, trong năm 2014 và 2015, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư sửa đổi các Thông tư: TT số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, TT số 151/2014/TT-BTC ngày 15/11/2014, TT số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 hướng dẫn về chính sách thuế, quản lý thuế và hóa đơn chứng từ, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi và ban hành mới các Quy trình nghiệp vụ quản lý thuế.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm 1/1/2015, sau khi thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, số giờ tuân thủ về thuế giảm được 369,86 giờ/năm, làm tròn là 370 giờ/năm. Với kết quả đã đạt được, năm 2015 Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm 45,5 giờ, để đạt được mục tiêu 171 giờ trong năm 2015 (trong đó, số giờ nộp thuế là 121,5 giờ).

 

Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã thường xuyên, tích cực tham gia có hiệu quả với vai trò phản biện trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo các văn bản chính sách về thuế, các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế. Các đóng góp của Hội đã được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế ghi nhận và đánh giá cao.

 

Các nội dung cải cách cơ bản nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính đã thực hiện liên quan đến hóa đơn, chứng từ cụ thể như sau:

 

1. Tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 7 Thông tư của Bộ Tài chính và có hiệu lực thi hành từ 1/9/2014:

 

+ Sửa đổi những nội dung còn khác nhau giữa hạch toán kế toán xác định nghĩa vụ nộp thuế và các nội dung của chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, theo hướng thống nhất theo chuẩn mực hạch toán kế toán quốc tế.

 

+ Bỏ quy định phải hạch toán tăng doanh thu tính thuế và bỏ quy định về việc xuất hoá đơn trong trường hợp tiêu dùng nội bộ của doanh nghiệp.

 

+ Sửa đổi Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ bán ra.

 

+ Sửa đổi Bảng kê hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ mua vào.

 

+ Bãi bỏ một số Bảng kê trong hồ sơ khai thuế GTGT.

 

+ Bổ sung hướng dẫn về thay thế liên 1 hóa đơn bằng Bảng kê đối với một số ngành, lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, điện nước sinh hoạt, phí dịch vụ của ngân hàng, vận tải hành khách …

 

+ Bổ sung hướng dẫn về trường hợp kinh doanh dịch vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “đơn vị tính”.

 

+ Bỏ hướng dẫn doanh nghiệp mới thành lập phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.

 

2. Tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn nội dung về thuế GTGT, quản lý thuế và hóa đơn có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

 

+ Bãi bỏ Bảng kê HHDV mua vào, bán ra trong Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và thuế TTĐB.

 

+ Bỏ hướng dẫn cơ sở kinh doanh phải đăng ký sử dụng dấu ngăn cách và chữ viết không dấu trên hóa đơn. Trước đây CSKD phải có văn bản đăng ký với cơ quan thuế.

 

+ Bỏ quy định cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định số lượng hóa đơn được thông báo phát hành để sử dụng từ 3 tháng đến 6 tháng tại Thông báo phát hành hóa đơn của doanh nghiệp.

 

+ Bổ sung hướng dẫn về việc kết nối với cơ quan thuế để gửi thông tin cho cơ quan thuế theo lộ trình triển khai của cơ quan thuế đối với NNT kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, siêu thị … có sử dụng hệ thống máy tính tiền, hệ thống cài đặt phần mềm bán hàng để thanh toán.

 

+ Hướng dẫn cụ thể trường hợp không xuất hóa đơn đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh.

 

+ Bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh.

 

Mặc dù đã có các điều chỉnh quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực cho người nộp thuế như trên, nhưng qua phản ánh của hội viên của Hội Tư vấn thuế Việt Nam thì vẫn còn những vướng mắc, bất cập còn tồn tại như:

 

          1. Về hóa đơn:

 

          - TT 78/2014 về thuế TNDN chưa hướng dẫn rõ các tình huống mua hàng nhiều lần trong cùng một ngày của 1 nhà cung cấp như tại TT 219/2013 về thuế GTGT. Dẫn tới doanh nghiệp vướng mắc khi tính toán các chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.

 

          - Hóa đơn đối với hàng xuất khẩu: TT 119/2014 đã bãi bỏ hóa đơn xuất khẩu, đồng thời tại ví dụ của Thông tư nêu ra là: Doanh nghiệp A là doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động bán hàng trong nước và không cần lập hóa đơn GTGT cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài”

 

          Như vậy, doanh nghiệp có hàng hóa, dịch vụ XK sẽ được phép sử dụng hóa đơn thương mại trong hồ sơ hàng xuất khẩu. Nhưng cũng không quy định cấm doanh nghiệp sử dụng hóa đơn GTGT thay cho hóa đơn thương mại. Một số trường hợp đã sử dụng hóa đơn GTGT cho hàng XK nay gặp vướng mắc khi cơ quan thuế trả lời sử dụng hóa đơn GTGT là không phù hợp.

 

          - Chưa có hướng dẫn cụ thể các nội dung bắt buộc trên hóa đơn thương mại, do đó các doanh nghiệp tự tạo hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế nên có thể có các nội dung không đồng nhất với hướng dẫn, tạo rủi ro cho doanh nghiệp.

 

          - Các quy định về điều kiện đặt in hóa đơn, tự in hóa đơn còn chưa rõ ràng, doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục khi đã sử dụng hết hóa đơn và phải đặt in hoặc khi các Thông tư mới có hiệu lực thi hành.

 

          - Các nội dung bắt buộc trên hóa đơn quá nhiều, trường hợp có sai sót về địa chỉ, tên người mua hàng có viết tắt, lỗi chính tả … mà MST vẫn đúng thì người mua và người bán phải lập biên bản điều chỉnh, gây thêm thủ tục và chi phí về thời gian.

 

          - Tình huống ngày ghi trên hóa đơn không khớp với ngày nhận hàng hóa, dịch vụ được xử lý khá phức tạp, đặc biệt đối với dịch vụ, như:

 

          Khi giao hàng cho người vận chuyển có gửi kèm hóa đơn, ngày nhận hàng chậm hơn do thời gian vận chuyển;

 

          Hóa đơn với dịch vụ có thể được xuất ngay khi thanh toán tiền ứng trước. Khi dịch vụ hoàn thành và xác nhận bàn giao sau đó sẽ không được chấp nhận là hợp lệ.

 

          2. Về Bảng kê thu mua:

 

          - Mua hàng của nông dân, ngư dân trực tiếp bán ra, phải có tên, địa chỉ, số CMT người bán hàng. Nhưng thực tế khó thực hiện đầy đủ và không đảm bảo chính xác vì thực tế người bán có thể là người thương lái, mua gom.

 

          - Đối với người bán hàng là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới ngưỡng phải kê khai nộp thuế (100 triệu đồng), việc xác định người bán đúng là đối tượng này là không thực tế, mặc dù có quy định cơ quan thuế công khai danh sách trên trang web của ngành thuế, nhưng khi giao dịch mua ban diễn ra thì không có bằng chứng tại chỗ.

 

          Mặt khác, với người lao động trong thời kỳ nông nhàn, tranh thủ làm hàng thủ công bán để tăng thêm thu nhập, nhưng vừa tham gia, chưa nằm trong danh sách của cơ quan thuế thì không có thông tin…

 

          Để góp phần cùng Bộ Tài chính, ngành thuế triển khai thành công chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP, Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề nghị các hội viên, các đại lý thuế, các doanh nghiệp kiểm toán, tư vấn cung cấp cho Hội các vướng mắc thực tế về hóa đơn, chứng từ trong quá trình tuân thủ pháp luật về thuế và hóa đơn chứng từ, trên cơ sở đó Hội sẽ tổng hợp và tham vấn với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để tiếp tục điều chỉnh các quy định có liên quan theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng tính rõ ràng, minh bạch của cơ chế chính sách, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.

 

          Ý kiến phản ánh xin gửi về Hội Tư vấn thuế Việt Nam theo địa chỉ phòng 1007, tầng 10 tòa nhà VTC Online, số 18 đường Tam Trinh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, hoặc gửi vào hòm thư điện tử [email protected]

 

          Xin trân trọng cảm ơn!

Theo VTCA