Thủ tục kiểm tra chuyên ngành cải thiện giúp doanh nghiệp sớm phục hồi

11/15/2022 09:02:16 AM

(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia của các bộ, ngành đã có những cải thiện đáng kể, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.

PV: Thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) vừa qua được cho là đã có nhiều cải cách. Xin bà cho biết, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp hiện nay khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Cúc: Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa qua đã cho thấy, về cơ bản cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của các cơ quan nhà nước trong thời gian qua. Nhìn chung doanh nghiệp phản hồi đều ghi nhận những nỗ lực tích cực của cơ quan hải quan, cũng như hiệu quả tốt của Cổng thông tin NSW.

Trong bối cảnh chịu tác động to lớn của dịch Covid-19, cùng những biến động khó lường của kinh tế - chính trị thế giới, song xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam thời gian gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. 10 tháng năm 2022, tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đã đạt 616,24 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ; dự kiến cả năm có thể đạt trên 700 tỷ USD.

Những con số này cho thấy nỗ lực vượt khó phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

PV: Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp cũng cho rằng thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành của một số bộ, ngành trên Cổng thông tin NSW còn rườm rà, gây khó cho doanh nghiệp. Bà có bình luận gì về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Trước hết, nói về Cổng thông tin NSW, hầu hết doanh nghiệp được khảo sát cho rằng mức độ dễ thực hiện, khoảng 45% - 81% là tỷ lệ tích cực. Tuy nhiên, đi vào chi tiết, doanh nghiệp cũng cho rằng còn nhiều thủ tục chưa kết nối thông suốt giữa 13 bộ, ngành. Nhiều văn bản sửa đổi bổ sung khiến cho việc giải quyết thủ tục của các bộ, ngành còn chậm, khiến chỉ số hài lòng của doanh nghiệp còn thấp. Chúng tôi cho rằng, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu và có thể kết nối tích hợp các chỉ tiêu thanh toán, qua đó giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính, thông quan hàng hóa qua Cổng thông tin NSW đạt hiệu quả hơn.

Về kiểm tra chuyên ngành, đây là chỉ tiêu được doanh nghiệp quan tâm phản ánh nhiều trong những năm qua. Lần này, thủ tục liên quan đến Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đánh giá tích cực ở tính dễ hiểu, dễ thực hiện hơn các ngành khác. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Giao thông vận tải thì mức độ khó thực hiện. Nhiều lĩnh vực khó trong kiểm tra chuyên ngành qua khảo sát của chúng tôi trước đây đến nay đã được khắc phục, như đối với hàng dệt may, da giày có tiến bộ nhiều.

Bên cạnh đó, một vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nêu lên, đó là chi phí không chính thức khi làm thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành của một số bộ, ngành. Có thể nói, chi phí “ngầm” luôn là nỗi lo của doanh nghiệp về tính minh bạch. Chi phí này không được thể hiện qua hóa đơn, chứng từ hợp pháp, nên không được hạch toán vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng vẫn phải chi.

Mọi người nộp thuế đều có thể kê khai và nộp thuế điện tử

Hiện nay ngành Thuế, Hải quan đã chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, do đó cơ quan thuế đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế ở mọi khâu, từ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế đều thực hiện qua mạng. Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các hộ cá nhân kinh doanh, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài không có hoạt động kinh doanh cố định tại Việt Nam cũng có thể kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. - Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

PV: Xin bà giải thích rõ hơn về vấn đề chi phí “ngầm”?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Trong khoảng 3.000 doanh nghiệp được khảo sát thì có khoảng 50% doanh nghiệp trả lời cho biết không phải trả thêm chi phí “ngầm”. Nhưng khảo sát cũng cho thấy, có 5,1% doanh nghiệp khẳng định là có chi, nhưng số còn lại trả lời là không biết và không trả lời. Rõ ràng, doanh nghiệp cho rằng không biết, không trả lời thì sẽ không nằm trong nhóm 50% không trả chi phí “ngầm”.

Chúng tôi cho rằng, trong 100 doanh nghiệp hiện nay được khảo sát, thì mới có một nửa trả lời là không phải trả. Doanh nghiệp cũng phản ánh khi không phải trả chi phí “ngầm” thì họ lại gặp khó khăn về thời gian, thủ tục, thêm những yêu cầu trong quy định không có phải bổ sung thêm… Đây là băn khoăn của doanh nghiệp và những người làm công tác cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn, khi thực hiện chuyển đổi số, thực hiện thủ tục qua mạng rồi thì không cần các thủ tục giấy đi kèm.

PV: Xin cảm ơn bà!

Lĩnh vực nông nghiệp, công thương có tiến bộ về cải cách

Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua cơ chế một cửa quốc gia năm 2022 vừa được công bố cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, công thương có tiến bộ về cải cách.

Ông Thạch cho hay, VCCI tập trung khảo sát vào 12 TTHC trên Cổng thông tin một cửa quốc gia có tần suất doanh nghiệp thực hiện nhiều nhất gồm: 3 TTHC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); các bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Y tế, mỗi bộ có 2 thủ tục hành chính và 1 thủ tục của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Kết quả này tập hợp ý kiến phản hồi của 3.048 doanh nghiệp đang tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, logistics và 46 bộ, ngành, cơ quan liên quan. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp dễ dàng thực hiện thủ tục tương đối khác nhau, phân bố trong khoảng 45% - 81%. Mức độ thuận lợi thực hiện TTHC tập trung theo nhóm bộ, ngành giải quyết.

Các thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ NN&PTNT, Giao thông vận tải, Công thương là những thủ tục có tỷ lệ đánh giá dễ, tương đối dễ cao nhất. Trong khi đó, nhóm thủ tục thuộc Bộ Y tế được đánh giá khó khăn hơn cả.

Cụ thể, dù số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục “Cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” chỉ ở mức trung bình so với các thủ tục khác và mỗi doanh nghiệp chỉ tiến hành thủ tục này khoảng 3 lần/năm, nhưng có đến 55% doanh nghiệp gặp khó khăn, cao nhất trong số 12 thủ tục được khảo sát.

Tương tự, cũng có đến 49% doanh nghiệp đánh giá chưa tích cực về thủ tục “Cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu”. Xếp ngay sau 2 thủ tục của Bộ Y tế là 2 TTHC liên ngành, với 31% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Thạch, hy vọng kết quả cuộc khảo sát giúp cho các bộ, ngành thấy được hạn chế, có những cải cách hiệu quả hơn, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Được biết, tính tới nay, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã tích hợp được 249/261 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối, xử lý gần 4,95 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.

Song Linh

thoibaotaichinhvietnam.vn