Nâng chi phí lãi vay lên 30% tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển

07/06/2020 09:22:21 AM
Nghị định 68/2020/NĐ-CP được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ các chuyên gia. Theo đánh giá, việc nâng mức khống chế chi phí lãi vay lên 30%, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển.

 

 
may huế
Việc nâng tỷ lệ chi phí lãi vay lên 30% giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là DN dệt may. Ảnh: NM.
 

Phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam

Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, Nghị định 68 ra đời trong bối cảnh các DN gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, nghị định có vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của DN, tạo cú hích cho nền kinh tế.

“Việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP là hết sức cần thiết, bởi trong quá trình thực hiện, nhiều DN gặp vướng mắc, đặc biệt là các DN có chi phí sử dụng vốn cao (chi phí lãi vay lớn). Việc nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng nghĩa với việc chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ tăng lên, điều này sẽ có lợi cho DN” - ông Được nói.

Giải thích thêm về quy định mới này, ông Được cho biết, khi chi phí lãi vay được trừ tăng lên, có nghĩa là thu nhập tính thuế TNDN giảm xuống, DN được đóng thuế ít đi. Việc đóng thuế ít đi này vừa phản ánh đúng thực tế tình hình kinh doanh của DN, đồng thời vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

“Chính sách này sẽ tạo ra tâm lý yên tâm, cũng như khuyến khích DN tự giác tuân thủ nghĩa vụ thuế thay vì các DN phải dùng các thủ thuật gian lận, trốn thuế” - ông Được nói.

Theo nhiều chuyên gia, việc nâng tỷ lệ chi phí lãi vay lên 30% là khá phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Vì theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này là 20%, nhưng tại thị trường Việt Nam, do các DN có tiềm lực tài chính chưa được lớn mạnh, đồng thời chi phí sử dụng vốn của các DN Việt Nam còn cao. Vì vậy việc nâng tỷ lệ từ 20% lên 30% sẽ phù hợp hơn so với thực tiễn, đây cũng là điều mà cộng đồng DN đã chờ đợi từ lâu.

“Với việc ban hành Nghị định 68, cụ thể là sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã giải quyết những bất cập khó khăn cho DN đối với chi phí lãi vay, là cú hích cho nền kinh tế trong giai đoạn khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19” - ông Được nói.

Giúp DN vượt qua khó khăn do đại dịch

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Được, luật sư Lại Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal cũng cho rằng, Nghị định 68 được Chính phủ ban hành là hết sức kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

“Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 68 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN cơ cấu nguồn lực, tài chính để ổn định hoạt động, nắm bắt và có thể tận dụng được các cơ hội sắp tới” - luật sư Thanh nói.

Luật sư Thiệu Quang Sang - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lawflex cho rằng, Nghị định 68/2020/NĐ-CP được ban hành không chỉ tháo gỡ khó khăn cho các DN, mà còn thể hiện sự chặt chẽ, toàn diện và cần thiết trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch liên kết hiện nay.

“Điều 1 Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP về giao dịch liên kết theo hướng tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như trước đây. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của DN được tính theo lãi vay thuần (là chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay). Điều này đã góp phần làm giảm gánh nặng tài chính cho DN” - luật sư Sang nói.

Nói về sự cần thiết của việc ban hành nghị định quy định về giao dịch liên kết, luật sư Thiệu Quang Sang cho biết, Nghị định 68 giúp cơ quan thuế kiểm soát giao dịch liên kết, tránh các hoạt động trốn, tránh thuế, chuyển giá trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia cam kết quốc tế về thuế là cần thiết, nhất là yêu cầu quản lý thuế đối với các DN, tập đoàn đa quốc gia.

“Chuyển giá là vấn đề nhức nhối và rất phức tạp, do vậy trong thời gian tới, tôi nghĩ sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu và có thêm các giải pháp để quản lý tốt hơn theo hướng: nếu đúng có yếu tố chuyển giá, thì cần phải áp đặt chi phí lãi vay kể cả như mức 20% như trước đây, hoặc thấp hơn, nhưng nếu không có yếu tố chuyển giá, thì chi phí lãi vay cần được coi là các chi phí hợp lệ” - luật sư Sang nói.

Sau 3 năm triển khai quy định về giao dịch liên kết đã xử lý số tiền trên 11.000 tỷ đồng

Nghị định 20/2017/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên ở cấp nghị định của Chính phủ về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Qua 3 năm thực hiện nghị định đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác đấu tranh chống chuyển giá.

Trong năm 2017 và 2018, mỗi năm, đã có hơn 11.000 DN kê khai quan hệ liên kết, trong đó tỷ trọng các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%, các DN trong nước chiếm khoảng 36%. Trong số các DN kê khai quan hệ liên kết, có 6.604 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết trong năm 2017 và 7.785 đơn vị có giao dịch liên kết năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 18%, trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%, DN trong nước chiếm khoảng 15%.

Về kết quả thu thuế, qua thanh tra kiểm tra các đơn vị có giao dịch liên kết từ năm 2017 đến nay, số thu đã xử lý về thuế trên 11.000 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt là trên 2.000 tỷ đồng; giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng/năm; giảm lỗ gần 9.000 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân trên 7.700 tỷ đồng mỗi năm.

Việc thực hiện quy định về khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN với mục tiêu quan trọng hơn là chốt chặn, ngăn ngừa triệt để lợi nhuận thu được sau đấu tranh chống chuyển giá bị các DN vô hiệu hóa thông qua công cụ lãi vay đã phát huy được hiệu quả.

Nguồn: Tổng cục Thuế

 

Theo Thời báo Tài chính