Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

04/12/2021 10:06:19 AM
“Chính sách gia hạn thuế có tác động kép tới doanh nghiệp và nền kinh tế; chính sách này như một liều thuốc trợ lực tăng cường sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”

 

 
Sản xuất bàn máy vi tính tại Công ty TNHH công nghiệp Tân Phong An (Vsip Hải Phòng).
Sản xuất bàn máy vi tính tại Công ty TNHH công nghiệp Tân Phong An (Vsip Hải Phòng). Ảnh: Tuấn Nguyễn
 

PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN.

PV: Để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính vừa tiếp tục có tờ trình Chính phủ ban hành nghị định gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2021, ông có đánh giá gì về đề xuất này của Bộ Tài chính?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Hiện nay, dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế. Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Sự sụt giảm tăng trưởng của các đối tác lớn đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế của nước ta. Dù có những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2020 nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
 

 PGS.TS Lê Xuân Trường
PGS.TS Lê Xuân Trường
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động. Tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn tài chính vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.

PV: So với đợt 1 năm 2020, quy mô, đối tượng của gói hỗ trợ đợt 2 này được mở rộng hơn, ông có đánh giá gì về vấn đề này?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Theo báo cáo chỉ số sản xuất công nghiệp của Tổng cục Thống kê công bố thì một số ngành có chỉ số sản xuất năm 2020 giảm mạnh như: Dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 33,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,7%; sản xuất đồ uống giảm 5,2%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 5,2%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho ước tính tại thời điểm 30/12/2020 tăng cao so với cùng thời điểm năm trước như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 231,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 143,9%; sản xuất kim loại tăng 126%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 79,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 56,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 44,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 37,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 37%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 35,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 27%; sản xuất trang phục tăng 24,3%.

Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành nêu trên và kết quả nộp ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, tiền thuê đất là phù hợp với thực tế.

PV: Góp ý vào dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát, bổ sung chính sách thuế đã được gia hạn của năm 2020, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tiếp tục được gia hạn thời hạn nộp thuế trong năm 2021, nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ của Nhà nước ổn định trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Trong năm 2020, doanh nghiệp sản xuất ô tô được gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP (chính sách áp dụng chung cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19). Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất ô tô tiếp tục được gia hạn nộp thuế TTĐB theo Nghị định số 109/2020/NĐ-CP. Cùng với các chính sách hỗ trợ khác (giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, giảm thuế nhập khẩu đối với vật tư, linh kiện theo Nghị định 109/2020/NĐ-CP), chính sách gia hạn nộp thuế đã giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020.

Việc áp dụng gia hạn nộp thuế TTĐB đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước liên quan đến quy tắc phân biệt đối xử trong cam kết quốc tế của Việt Nam theo WTO và các FTA. Do đó, phía Việt Nam có khả năng bị tham vấn, khiếu nại nếu tiếp tục có chính sách riêng biệt đối với doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ không bổ sung gia hạn nộp thuế TTĐB đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp rắp ô tô; các doanh nghiệp sản xuất, lắp rắp ô tô tiếp tục được gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN và tiền thuê đất theo dự thảo nghị định là phù hợp với thông lệ quốc tế.

PV: Dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo nghị định là 115.000 tỷ đồng. Theo ông, việc cho gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất sẽ ảnh hưởng ra sao đến kết quả thu NSNN trong năm 2021?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Thực tế cơ chế giãn, hoãn nộp thuế có tính chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh. Chính sách gia hạn nộp thuế không làm giảm thu NSNN và phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ mà Luật Quản lý thuế đã quy định. Vì vậy, cũng giống như năm 2020, việc cho gia hạn nộp thuế không ảnh hưởng đến kết quả thu NSNN trong năm 2021.

PV: Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong thời gian được gia hạn cũng như đảm bảo sự chủ động điều hành dự toán NSNN, theo ông Bộ Tài chính cần có giải pháp gì?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế…

Pv: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Tạp chí tài chính