Gia hạn nộp thuế tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp

04/03/2020 04:01:54 PM
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang rất mong chờ nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất sớm được ban hành.
Người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế Hà Nội.
Người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NM

 

Điều này giúp cho DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của DN và người dân.

PV: Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Là người làm trong lĩnh vực kiểm toán và thuế, ông đánh giá như thế nào về dự thảo này?

- Ông Nguyễn Đức Nghĩa: Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế, làm cho hàng loạt DN rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay thì việc Chính phủ ban hành nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là hành động hết sức cần thiết. Cộng đồng DN đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chia sẻ nguồn lực ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện nay. Điều này thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ trong nạn dịch Covid-19 và thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc vực dậy nền kinh tế đất nước do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện nay, việc tiêu thụ hàng hóa là vô cùng khó khăn, kể cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Không những thế, khó khăn toàn xã hội đã làm cho tình hình thanh toán có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do các DN không có khả năng thanh toán. Do đó, việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất có tác dụng giúp các DN gia tăng nguồn lực về dòng tiền để có đủ khả năng hoạt động liên tục và có tiền để trang trải nợ nần. Do đó, cộng đồng DN thực sự phấn khởi, tự tin khi nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất sớm được ban hành và đi vào thực thi.

 Ông Nguyễn Đức Nghĩa
Ông Nguyễn Đức Nghĩa


PV: Dự thảo nghị định đề cập rõ phạm vi gia hạn tập trung chủ yếu vào gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, vì những sắc thuế này ảnh hưởng đến nhiều đối tượng nộp thuế và chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Theo ông, việc gia hạn nộp thuế đối với các sắc thuế này có hợp lý không?

- Ông Nguyễn Đức Nghĩa: Dự thảo nghị định quy định cụ thể 2 vấn đề đáng lưu ý, thứ nhất là đối tượng gia hạn là các DN, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt, giày, dép, sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô, vận tải, lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục, y tế, giải trí, thể thao… Chúng tôi cho rằng, việc quy định cụ thể từng đối tượng được hỗ trợ là cần thiết, thể hiện sự minh bạch, rõ ràng của pháp luật. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và công nghệ hiện nay thì có nhiều ngành nghề kinh doanh chưa thể hiện cụ thể trong Danh mục ngành kinh tế quốc gia. Do đó, DN khó phân biệt ngành nghề của mình có thuộc đối tượng của nghị định và thông thường thì DN sẽ vẫn kê khai hưởng ưu đãi.

Vì thế, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể xem xét quy định đối tượng không thuộc diện gia hạn (ví dụ: dược phẩm, truyền hình, phần mềm, bưu điện, điện, viễn thông, siêu thị…), các đối tượng còn lại sẽ đương nhiên được gia hạn. Như vậy, việc xác định đối tượng ưu đãi sẽ dễ dàng hơn, tránh việc DN xác định sai sẽ bị phạt hành chính và chịu lãi chậm trả khi quyết toán thuế.

Trong trường hợp vẫn giữ nguyên quy định đối tượng được gia hạn như nghị định thì cần quy định thời hạn phát hành văn bản thông báo về việc dừng gia hạn của cơ quan thuế (theo Khoản 3 Điều 4) để DN xác định được đúng đối tượng ưu đãi, tránh bị phạt.

Thứ hai, phạm vi gia hạn là thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thời hạn 5 tháng với số thuế phải nộp từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020. Riêng thuế TNDN, số thuế gia hạn còn bao gồm số phải nộp theo quyết toán của năm 2019 mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước. Đây là chủ trương hỗ trợ kịp thời khi cộng đồng DN đang hết sức khó khăn về dòng tiền như hiện nay.

Đồng thời, để hạn chế việc lạm dụng chính sách ưu đãi thì nên quy định hạn mức tiền thuế được gia hạn. Ví dụ, chỉ ưu đãi một tỷ lệ nhất định trên vốn chủ sở hữu, hoặc tỷ lệ trên doanh thu năm trước. Như vậy, chính sách ưu đãi sẽ công bằng và hợp lý hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng, khi nghị định này được thông qua, DN không chỉ được hưởng lợi từ số tiền 80.200 tỷ đồng, mà có thể dùng số tiền chậm nộp để sản xuất, kinh doanh, giúp DN vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ông có nghĩ như vậy không?

- Ông Nguyễn Đức Nghĩa: Trong hoạt động kinh doanh, dòng tiền có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó được xem như là “máu” trong một cơ thể sống. Khi có đủ nguồn lực, cơ thể DN sẽ hoạt động bình thường, chống chọi được với các dịch bệnh kinh tế. Do đó, nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế đáp ứng yêu cầu tiếp sức cho cộng đồng DN hết sức kịp thời trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay là sức tiêu thụ hàng hóa nội địa giảm sút, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do dịch bệnh toàn cầu. Do đó, chính sách tài chính nhằm gia tăng tổng cầu xã hội là hết sức cần thiết. Bởi thế, chúng tôi cho rằng bên cạnh quy định về giãn thuế phải nộp, Chính phủ cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hỗ trợ về thuế GTGT. Bởi vì thuế GTGT là một phần kết cấu trong giá thanh toán, nếu được hỗ trợ sẽ kích thích nhu cầu mua hàng hóa.  

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên xem xét điều chỉnh các quy định liên quan đến gia hạn nộp tiền bảo hiểm xã hội, bởi vì chi phí nộp bảo hiểm xã hội cũng rất đáng kể đối với DN (chiếm tới hơn 30% chi phí tiền lương). Trong khi đó, quy định hiện hành về điều kiện hưởng gia hạn là phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra… Đây là quy định khó đáp ứng với nhiều DN và cũng không có nhiều lợi ích cho người lao động khi thị trường lao động đang khó khăn như hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo Tài chính