Cục Thuế Bình Phước: Năm 2020 không để tiền nợ thuế đất tăng đột biến

02/20/2020 09:35:43 AM
Văn phòng Cục Thuế Bình Phước cho biết, năm 2020 sẽ tập trung kiểm tra việc phân loại nợ thuế, tăng cường đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, đặc biệt là tiền nợ thuế đất.

 

ảnh mới
Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tại Cục Thuế Bình Phước. Ảnh Gia Cư

 

Qua phân tích, đánh giá của Cục Thuế Bình Phước, tỷ lệ nợ đọng thuế năm 2019 trên địa bàn tỉnh gần 2 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ khó thu ở mức trên 50%.

So sánh với cùng thời điểm năm 2018 thì tỷ lệ nợ thuế tăng gần 300 tỷ đồng và thể hiện tăng ở tất cả các sắc thuế, nhưng điều đáng chú ý nhất là tăng tiền nợ thuế đất ở mức độ được xem là “đột biến” với 873%. Nguyên nhân tăng được xác định do một số cá nhân và đơn vị trúng đấu giá tiền sử dụng đất nhưng không nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước.

Riêng đối với khoản nợ khó thu tăng chủ yếu là tiền phạt chậm nộp phát sinh hàng tháng theo tỷ lệ 0,03%/ngày. Đối với khoản nợ có khả năng thu tăng là do các đơn vị nợ mới phát sinh hàng tháng chưa kịp nộp vào NSNN.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Bình Phước thì để đạt được mục tiêu kéo giảm tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu đến 31/12/2020 không quá 5% tổng thu ngân sách, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Cục thuế áp dụng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; đưa nội dung theo dõi tình hình nợ thuế, tiến độ thu nợ, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan trong các cuộc họp giao ban định kỳ của Cục thuế và các đơn vị trực thuộc.

Cùng với đó, lãnh đạo Cục Thuế tổ chức kiểm tra định kỳ về tình hình nợ và công tác thu hồi nợ tại một số phòng, chi cục thuế và cơ quan thuế các cấp.

Giải pháp thường xuyên, lâu dài là việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, điện tử hoá hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ; xây dựng cơ sở dữ liệu về cưỡng chế nợ thuế đối với NNT.

Một giải pháp nữa cũng không kém phần quan trọng là tăng cường chỉ đạo cơ quan thuế các cấp, chủ động tham mưu với UBND cùng cấp phối hợp tốt với các ngành trên cùng địa bàn duy trì Ban chỉ đạo liên ngành thu hồi nợ đọng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư để thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN./.

 

Theo Thời báo Tài chính