Chuyện chưa kể phía sau số tiền thuế thu hồi của Uber

10/08/2018 04:28:41 PM
Với quan điểm nhất quán, lập luận vững chắc và lý lẽ rõ ràng, kết hợp với những động thái cương quyết, đúng luật.
nop
Người nước ngoài làm khai nộp thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.
Các cán bộ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã làm thay đổi được suy nghĩ và hành động của giới lãnh đạo hãng taxi công nghệ Uber rút đơn khởi kiện và chấp thuận nộp số tiền thuế chưa nộp gần 53,4 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Nguyên nhân Uber khởi kiện  

Uber có tên đầy đủ là Uber B.V, là công ty TNHH thành lập tại Hà Lan, văn phòng đặt tại Vijzelstraat 68, 1017 HL, Amsterdam Hà Lan. Ngày 30/8/2014, Uber B.V Hà Lan thành lập Công ty TNHH Uber Việt Nam theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề: tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính.

Từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Uber B.V có phát sinh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thực hiện kê khai nộp thuế. Đến ngày 1/9/2016, công ty mới đăng ký mã số thuế và được Cục Thuế 

TP. Hồ Chí Minh cấp mã số thuế. Mãi đến tháng 10/2016, Uber B.V mới ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam nộp thay tờ khai thuế nhà thầu (tức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp trong nước) và khấu trừ nộp thay thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho các đối tác là các cá nhân lái xe.

Nhận thấy những vi phạm về thuế của Uber (không kê khai nộp thuế doanh thu phát sinh tại Việt Nam), ngày 7/7/2017, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh quyết định tiến hành thanh tra thuế Uber theo đúng quy định của pháp luật, với nội dung thanh tra liên quan đến các lĩnh vực như thuế nhà thầu, thuế TNCN trong thời gian từ khi thành lập đến tháng 6/2017. Sau khi thanh tra, ngày 1/9/2017, 

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế Uber B.V với tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp gần 67,7 tỷ đồng; gồm tiền thuế truy thu 51,5 tỷ đồng, tiền phạt 10,3 tỷ đồng và tiền chậm nộp 4,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, Uber B.V không đồng ý và sau đó chỉ nộp hơn 13,3 tỷ đồng vào NSNN cho các khoản thuế TNDN 10,5 tỷ đồng, tiền phạt 2,1 tỷ đồng và tiền chậm nộp 711 triệu đồng, đồng thời khiếu nại lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đối với các quyết định truy thu và xử phạt trên. Tuy nhiên, việc khiếu nại đã không nhận được sự đồng tình từ các cơ quan này. Uber sau đó đã kiện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh ra tòa.

Lý lẽ buộc Uber nộp đủ thuế 

Như vậy, tổng số tiền Uber B.V chưa nộp NSNN là gần 53,4 tỷ đồng. Theo đơn khởi kiện Uber B.V cho rằng, từ năm 2014 đến thời điểm kiện, Uber B.V ký thỏa thuận dịch vụ với các lái xe là chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng điện thoại để kết nối các lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển với các khách hàng thuê vận chuyển. Tức là Uber B.V chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ (chuyển nhượng quyền sử dụng phần mềm) cho các lái xe trực tiếp kinh doanh vận tải, còn Uber B.V thì không hoạt động kinh doanh vận tải, chỉ thu hộ tiền vận chuyển cho các đối tác lái xe, sau đó giữ lại phần mình được hưởng và thanh toán lại cho các đối tác lái xe phần họ được hưởng.

Theo ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó trưởng phòng Thanh tra 4 Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tại những buổi hòa giải do tòa án tổ chức, quan điểm nhất quán của Cục Thuế để bẻ lại lý lẽ của Uber B.V là Uber B.V không đơn thuần cung cấp dịch vụ công nghệ mà trực tiếp điều hành, tiến hành hoạt động kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Cán bộ thuế đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục như: Uber B.V trực tiếp phân công, bố trí các lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng; tự quyết định giá cung cấp dịch vụ vận chuyển tại từng thời điểm; tự quyết định toàn bộ các chính sách giảm giá cước vận chuyển, các chương trình khuyến mãi; trực tiếp nhận tiền thanh toán của khách hàng thuê vận chuyển, sau đó định kỳ hàng tuần mới thanh toán lại tiền các lái xe được hưởng…

Như vậy, Uber B.V đã trực tiếp hoạt động kinh doanh vận tải tại Việt Nam thông qua các lái xe. Mà các lái xe là đối tác thực hiện cung cấp dịch vụ vận chuyển thay cho Uber B.V theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, trực tiếp nhận tiền của khách hàng thuê vận chuyển nên khi thanh toán tiền lại cho các đối tác là các lái xe của mình. Theo quy định thì Uber B.V phải có trách nhiệm khấu trừ thuế của các lái xe để nộp vào NSNN.

“Với quan điểm nhất quán, lập luận chắc và lý lẽ rõ ràng, dễ hiểu tại những phiên hòa giải, kết hợp với những động thái cương quyết, đúng luật của cơ quan thuế, Uber B.V cuối cùng đã rút đơn kiện và sau đó chấp thuận nộp số tiền chưa nộp gần 53,4 tỷ đồng vào NSNN”, ông Đỗ Quốc Tuấn nói.

 

Theo Thời báo Tài chính