Chủ tịch VTCA: Nên giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% với toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ

04/14/2023 02:33:53 PM

TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính sớm quyết định giảm giảm thuế GTGT 2% đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) để tạo cú hích giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã có những chia sẻ với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp về các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đó có đề xuất giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ. 

Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí… Bà đánh giá như thế nào về các chính sách trên?

Năm 2022, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều giải pháp toàn diện, sâu rộng về thuế, phí nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất năm 2022 đã được mở rộng đối với kinh doanh bất động sản; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa dịch vụ như: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất…

           

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Sang tới quý 1 năm 2023, dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước như mức áp dụng trong năm 2022. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022. Theo đó, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đồng thời dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế GTGT trong năm 2023 từ 3 - 8 tháng, tạm nộp thuế TNDN 3 tháng, tiền thuê đất 6 tháng. Riêng thuế TNCN, thuế GTGT đối với cá nhân kinh doanh được gia hạn cho hết 31/12/2023.

Đồng thời trong dự thảo Tờ trình cũng đề cập tới nội dung tiếp tục giảm 30% số tiền thuê đất phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng trực tiếp thuê đất trả tiền hàng năm. Tuy nhiên chưa đề cập tới đề xuất giảm thuế GTGT 2%.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP trong đó giao Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023, trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế GTGT. Xin bà cho biết quan điểm của bà về vấn đề này?

Thời gian vừa qua, VTCA cùng các Hiệp hội, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế GTGT (giảm thuế suất từ 10% xuống 8%) áp dụng trong cả năm 2023 nhằm giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và phục hồi sau đại dịch.

Nghị quyết 50 của Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu cả việc đề xuất giảm thuế GTGT. Đó là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tại thời điểm này chính sách giảm thuế GTGT là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong quý 1 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên… thì việc tiếp tục giảm thuế GTGT như năm 2022 sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất.

Bởi lẽ thuế GTGT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế GTGT sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế GTGT sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất.

          

Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm thuế GTGT là giảm toàn bộ đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% và giảm như đã áp dụng trong năm 2022, theo bà phương án nào hợp lý?

Trong quá trình thực hiện chính sách giảm thuế GTGT năm 2022 còn gặp một số khó khăn như khó phân biệt các dịch vụ không được giảm thuế. Đơn cử như sản phẩm cơ khí và một số sản phẩm khác. Do đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề xác định các thuế suất được giảm để xuất hóa đơn đúng theo quy định.

Bên cạnh đó, năm 2022, chính sách giảm thuế GTGT loại trừ các hoạt động liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, việc xử lý, mở rộng đối tượng giảm thuế GTGT cho tất cả mặt hàng là cần thiết và phù hợp. Vì vậy, quan điểm của VTCA thiên về phương án giảm toàn bộ thuế GTGT 2% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.

Với phương án giảm thuế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, không gặp khó khăn khi phân biệt thuế suất đối với hàng hóa dịch vụ có thuế suất khác nhau được giảm và không được giảm; giảm thiểu các trường hợp sai sót viết hóa đơn chứng từ, điều chỉnh hóa đơn chứng từ. Mặt khác, thời điểm đề xuất giảm thuế GTGT năm 2023 là ngắn hơn năm 2022 nên việc giảm toàn bộ cho các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, ngoài việc tạo thuận lợi còn là cú hích cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bên cạnh lợi ích về số tiền được giảm, chính sách giảm thuế GTGT cũng góp phần động viên khích lệ tinh thần cho doanh nghiệp cùng chính phủ vượt qua khó khăn.

Để các chính sách thuế thực hiện có hiệu quả trong cuộc sống, theo bà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần phải làm gì?

Thời gian qua khi triển khai vấn đề gia hạn, miễn, giảm thuế, Tổng cục Thuế đã có những văn bản chỉ đạo kịp thời để các cục thuế triển khai thực hiện.

Để tiếp tục triển khai các chính sách mới, gói giải pháp mới, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế cần khẩn trương chỉ đạo cho cục thuế địa phương cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Như vấn đề làm thủ tục gia hạn thuế, tiền thuê đất… doanh nghiệp chỉ cần làm 1 văn bản duy nhất để thực hiện gia hạn cho tất cả các loại thuế và tiền thuê đất. Người nộp thuế có thể gửi giấy đề nghị gia hạn bằng nhiều hình thức: qua thư điện tử, công văn, hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa ở cơ quan thuế.

Thủ tục về giảm tiền thuê đất 30% cũng được đơn giản hóa bằng văn bản đề nghị miễn giảm kèm theo các hồ sơ chứng minh tổ chức, cá nhân thuê đất của nhà nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ về thuế cần được ban hành nhanh chóng để doanh nghiệp chủ động thực hiện kịp thời, tránh tình trạng doanh nghiệp đã nộp thuế, sau đó có chính sách miễn giảm lại hồi tố trả lại tiền thuế đã giảm hoặc tiền chậm nộp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cơ quan thuế cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp biết gói giải pháp miễn giảm thuế của Chính phủ, Quốc hội để triển khai kịp thời đồng bộ.

Xin cảm ơn bà!

Thanh Phương