Cải cách hành chính thuế giai đoạn 2016 - 2020: Rốt ráo thực hiện vì lợi ích người dân và doanh nghiệp

01/18/2021 11:24:55 AM
Thực hiện kế hoạch cải cách hành chính thuế giai đoạn 2016 - 2020, đến nay ngành Thuế đã cắt giảm, bãi bỏ 131 thủ tục hành chính thuế, giảm từ 435 xuống còn 304 thủ tục.

 

Tổng cục Thuế tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến người nộp thuế quyết toán thuế
Tổng cục Thuế tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến người nộp thuế quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
 

Đáng chú ý, năm 2020, Ngân hàng Thế giới đánh giá, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế được đánh giá. Ông Phi Vân Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về kết quả công tác cải cách hành chính thuế.

PV: Trong 5 năm qua, ngành Thuế đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính về thuế, với mức độ hài lòng của người nộp thuế ngày một nâng cao. Xin ông cho biết thông tin cụ thể, so sánh sự chuyển biến và nguyên nhân đạt được kết quả trên?

Ông Phi Vân Tuấn: Để có chuyển biến rõ rệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế, nâng cao mức độ hài lòng của người nộp thuế (NNT); trong 5 năm qua, ngành Thuế đã tập trung quyết liệt thực hiện cải cách TTHC về thuế và luôn lấy doanh nghiệp (DN), NNT làm trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách.

 Ông Phi Vân Tuấn

Ông Phi Vân Tuấn

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp ngành Thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất người dân, DN. Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Có 99,7% DN đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 97% DN tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử.

Cùng với đó, ngành Thuế cũng phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký đất đai, hải quan, cơ quan công an trao đổi thông tin giúp giảm thời gian xử lý TTHC thuế, mang lại lợi ích thiết thực cho NNT. Việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giúp cán bộ thuế xử lý thông tin ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ đó thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được giảm thiểu.

Có thể nói, việc triển khai các ứng dụng thuế điện tử đã tạo sự cách biệt về chi phí tuân thủ của thủ tục thuế với các nhóm thủ tục khác, chứng minh rằng xu thế điện tử hóa việc thực hiện TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn và thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN. Điều này cũng đã được cộng đồng DN khẳng định thông qua kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN năm 2019 do VCCI công bố. Theo đó, sự hài lòng của NNT với sự phục vụ của cơ quan thuế năm 2019 là 7,79 điểm, đạt tỷ lệ 78 điểm phần trăm, tăng 3% so với năm 2016.

PV: Trong 5 năm qua, ngành Thuế đã thực hiện rất tích cực việc tái cơ cấu, tinh gọn tổ chức bộ máy, đến thời điểm này kết quả ra sao? Điều này mang lại những hiệu quả gì, thưa ông?

Ông Phi Vân Tuấn: Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2017, Tổng cục Thuế đã triển khai nghiên cứu sửa đổi tổ chức bộ máy ngành Thuế; thực hiện rà soát, đánh giá những bất cập, tồn tại trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuế các cấp trong toàn hệ thống thuế, bao gồm: cục thuế, chi cục thuế; các vụ, đơn vị và văn phòng thuộc Tổng cục Thuế.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng cục Thuế đã chủ động xây dựng kế hoạch và báo cáo Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 520/QĐ-BTC về việc sắp xếp, thành lập chi cục thuế khu vực.

Kết quả triển khai từ năm 2018 đến nay, tại Tổng cục Thuế đã giải thể 27 đầu mối cấp phòng, tương ứng giảm 27 trưởng phòng và tương đương; giảm 56 phó trưởng phòng. Tại cấp cục thuế đã giảm 62 đầu mối cấp phòng, tương ứng giảm 62 trưởng phòng và tương đương. Tại cấp chi cục thuế đã giảm từ 711 chi cục thuế xuống còn 415 chi cục thuế, đạt 102% kế hoạch về số lượng và vượt trước 10 tháng, theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Số đội thuế trong cả nước giảm từ 5.073 xuống còn 2.973 đội (giảm 2.100 đội thuế, tương đương giảm 2.100 đội trưởng). Do làm tốt công tác chuẩn bị nên sau sáp nhập tư tưởng của cán bộ công chức cơ bản đồng thuận, yên tâm công tác. Công tác kê khai, nộp thuế và giải quyết các vướng mắc về thuế được thực hiện thông suốt.

PV: Vậy Tổng cục Thuế đã triển khai các biện pháp gì để đạt mục tiêu Chính phủ yêu cầu là nâng hạng chỉ số nộp thuế từ 7 - 10 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh, thưa ông?

Ông Phi Vân Tuấn: Triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó đưa ra 13 nhiệm vụ và 21 sản phẩm đầu ra để đảm bảo mục tiêu nâng hạng chỉ số nộp thuế năm 2020 từ 7 - 10 bậc. Cụ thể, Tổng cục Thuế đã tập trung triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế. Trong đó, ngành Thuế đã tổ chức triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước…

Trong năm 2020, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử. Theo đó, đã có 255 DN đang tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng về CNTT để triển khai thử nghiệm giải pháp hóa đơn điện tử vào năm 2021, chuẩn bị triển khai chính thức hóa đơn điện tử trên toàn quốc khi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ của Chính phủ có hiệu lực thi hành vào năm 2022.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kết nối với 7 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử

Về dịch vụ khai nộp thuế điện tử dành cho cá nhân, Tổng cục Thuế đã kết nối với 7 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử đối với cho thuê tài sản. Theo đó, cá nhân có thể sử dụng các hình thức nộp thuế điện tử qua các kênh thanh toán của ngân hàng như Internet Banking, Mobile Banking. Trong năm 2020, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) và Văn phòng Chính phủ thực hiện truyền, nhận dữ liệu đăng kiểm, dữ liệu nộp điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy phục vụ người dân làm thủ tục liên thông đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến.

 

 

Theo Thời báo Tài chính