Bình Dương: Kéo nợ đọng thuế năm 2020 không vượt quá 5%

02/20/2020 09:25:29 AM
Ông Phạm Viết Trọng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Cục thuế Bình Dương khẳng định, quyết tâm của Cục thuế trong năm 2020 sẽ phấn đấu kéo giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống mức không vượt quá 5% tổng thu ngân sách của đơn vị trong năm.
ảnh mới
Hội nghị triển khai công tác thuế Cục thuế Bình Dương. Ảnh Gia Cư

 

Khó đòi nợ với các doanh nghiệp "vắng chủ"

Theo ông Trọng, có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng tăng số tiền nợ thuế của năm 2019 ở mức khá cao 20% so với số thu vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Yếu tố khách quan được lý giải là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, nguyên liệu đầu vào tăng cao, cạnh tranh lớn. Nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản thế chấp ngân hàng dẫn đến chưa nộp ngay, nộp muộn tiền thuế phát sinh vào NSNN.

Yếu tố chủ quan là do tỷ lệ nợ “ảo” của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh cao, nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, khó xử lý. Công tác thanh tra, giám sát chưa chặt chẽ, việc thực hiện cưỡng chế, công khai thông tin người nợ thuế chưa thực hiện thường xuyên, liên tục.

Đây được xem là hạn chế tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu hồi nợ đọng thuế ở mức cao. Đơn cử như ở Chi cục thuế Thủ Dầu Một, mỗi năm có hàng trăm DN được gọi là “DN ma, DN vắng chủ” được thành lập nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng nhưng không khai báo thuế, rất khó khăn cho công tác quản lý thuế.

Trong số đó có không ít DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê năm 2019 tỷ lệ nợ đọng thuế ở khu vực DN ngoài quốc doanh lên đến 13%, nhưng chỉ cưỡng chế, thu hồi nợ đọng thuế chỉ đạt 83/147 tỷ đồng đối với những DN có khả năng thu.

Theo ông Trọng, một trong số những nguyên nhân không thể bỏ qua đó là tình trạng một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn (nhiều trường hợp người nộp thuế chỉ nộp khoản trên 90 ngày để không bị cưỡng chế và vẫn tiếp tục nợ khoản thế dưới 90 ngày).

Một số DN mặc dù kinh doanh thua lỗ, tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh, nhưng còn nợ thuế, không làm thủ tục khai báo, trong khi thông báo nợ thuế lại không gửi được đến tay người nộp thuế, gây khó khăn cho công tác quản lý, thu hồi nợ đọng thuế của địa phương.

Nhiều DN cơ quan quản lý thu hồi nợ thuế xuất hóa đơn, thông báo lần 2, lần 3 thậm chí nhiều lần nhưng vẫn chây ì không nộp.

Cơ quan thuế vẫn chỉ duy trì xử lý ở mức phạt do chậm nộp thuế, khóa tài khoản. Việc cưỡng chế, rút giấy phép rất khó thực hiện, do vẫn còn vướng khá nhiều bất cập trong quy trình, thủ tục và thời gian xử lý...

Có trường hợp Cục Hải quan tỉnh đề nghị tuyên bố một DN trên địa bàn phá sản buộc phải thu hồi nợ, nhưng khi đưa ra tòa án kinh tế, cơ quan Hải quan phải nộp tiền án phí cho tòa theo luật vì DN này không còn giá trị tài sản nào.

Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Mục tiêu phấn đấu đã đặt ra đối với Cục thuế Bình Dương là kéo giảm số tiền nợ đọng thuế tại thời điểm 31/12/2020 không vượt quá 5% tổng số thu ngân sách của năm.

Theo ông Trọng, đây là nhiệm vụ rất khó nhưng không thể không thực hiện, chỉ cần có sự đoàn kết, quyết tâm cao và nhiều giải pháp đồng bộ, hợp lý.

Theo đó, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cần phải luôn được xem trọng. Phải linh hoạt hơn trong việc xác định rạch ròi và xử lý kịp thời các khoản nợ, nợ xấu, tiền thuế chậm nộp cho các DN gặp khó khăn khách quan, chủ quan.

Cùng với đó là đẩy mạnh giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế, chịu trách nhiệm thu hồi nợ đọng đối với cán bộ lãnh đạo, nhân viên ngành Thuế trong từng tháng, từng quý, có sự so sánh, đôn đốc nhắc nhở, khen thưởng, phê bình kịp thời đối với từng cá nhân, tập thể trong ngành.

Một yếu tố không thể xem nhẹ được ông Trọng nêu đó là, Cục thuế thường xuyên công khai thông tin tổ chức, cá nhân nợ, chây ì nộp thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp đó là việc tăng cường triển khai đầy đủ các biện pháp thanh tra, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ thuế, nhất là khối DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư ngước ngoài, kiên quyết hơn trong công tác cưỡng chế, thu hồi nợ thông qua việc duy trì hoạt động của các tổ, đội liên ngành.

Đặc biệt là việc tăng cường phối hợp với các ngành liên quan như Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, sở kế hoạch - đầu tư để thực hiện để đôn đốc thu hồi nợ thuế vào NSNN./.

Link bài viết: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2020-02-04/binh-duong-keo-no-dong-thue-nam-2020-khong-vuot-qua-5-82113.aspx

Theo Thời báo Tài chính