Tình huống thuế TNDN_Số 3.2017

06/04/2018 02:16:27 PM

Câu 1: Doanh nghiệp A là chuyên sản xuất phần mềm, nguồn tiền của DN chỉ có từ Doanh thu xuất khẩu phần mềm. Trong quá trình hoạt động ngoài thu nhập từ sản xuất phần mềm, DN còn có 3 loại thu nhập như sau:

1. Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ vì thời điểm ghi nhận doanh thu từ phần mềm và thời điểm nhận tiền là khác nhau (Thu nhập A)

2.Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá phát sinh khi bán ngoại tệ (JPY) mua VND (Thu nhập từ bán ngoại tệ) (Thu nhập B)

3. Thu nhập từ lãi tiền gửi (VND) không kỳ hạn phát sinh hàng tháng (Thu nhập C)

Như vậy trong 3 loại thu nhập nêu trên thì thu nhập nào đáp ứng đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính (sản xuất phần mềm) theo tinh thần của thông tư 78 và 96.

 

Trả lời:

Thu nhập A: Điều 5, Thông tư số 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC: Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí hoặc thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Theo đó, khoản thu nhập từ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ do thời điểm ghi nhận doanh thu từ sản xuất phần mềm thì thuộc thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh chính, do đó được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

 

Thu nhập B:  Điều 5, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 (sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC)

Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí tài chính, nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.

Nếu khoản thu tiền Yên này là thuộc doanh thu bán XK phần mềm thì được hưởng ưu đãi thuế

 

Thu nhập C: từ lãi tiền gửi (VND) không kỳ hạn phát sinh hàng tháng không được ưu đãi thuế.

 

 

Câu 2:  Doanh nghiệp (S) ở Singapore có đầu tư công ty con ở Việt Nam (công ty V), S sở hữu 100% vốn tại V. Sau đó doanh nghiệp S chuyển nhượng vốn 100% tại V cho Doanh nghiệp J ở Nhật Bản. Chiếu theo quy định hiện hành thì DN S được áp dụng thủ tục tránh đánh thuế 2 lần từ hoạt động chuyển nhượng vốn này theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa VN và Singapore.

Doanh nghiệp S đã gửi thông báo miễn thuế theo hiệp định tới cục thuế, tuy nhiên theo quy định thì cục thuế sẽ không có văn bản trả lời là đồng ý hay không đồng ý, vậy câu hỏi là:

1. Doanh nghiệp S có phải làm tờ kê khai tờ khai chuyển nhượng vốn theo mẫu 05/TNDN hay không? ( DN V sẽ làm tờ khai theo mẫu 05/TNDN)

2. Nếu kê khai DN S phải trình bày như thế nào về việc được miễn thuế theo hiệp định, vì trên tờ khai 05/TNDN không có phần ưu đãi, miễn thuế theo hiệp định giống như tờ khai 01/NTNN)

3. Quý Hội có thể chi tiết trình tự nộp hồ sơ về việc áp dụng hiệp định tránh đánh thuế 2 lần cho tình huống nêu trên.

 

Trả lời:

Theo quy định tại điểm b.2, khoản 3, Điều 20, TT Thông tư 156/2013/TT-BTC thì Hồ sơ Thông báo miễn, giảm thuế theo Hiệp định được quy định như sau: quý DN áp dụng theo như quy định:

Trường hợp Nhà thầu nước ngoài thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước, vùng lãnh thổ khác thì thực hiện thêm các thủ tục sau:

Mười lăm ngày trước thời hạn khai thuế, bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập cho Nhà thầu nước ngoài gửi Cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định mẫu số 01/HTQT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú do cơ quan thuế của nước cư trú cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định đã được hợp pháp hóa lãnh sự;

- Bản chụp hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có xác nhận của người nộp thuế.

……

+ Đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn: người nộp thuế nộp thêm bản chụp có xác nhận của người nộp thuế hợp đồng chuyển nhượng vốn, bản chụp Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn có xác nhận của người nộp thuế.

- Giấy uỷ quyền trong trường hợp người nộp thuế uỷ quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định.

Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản chụp hợp đồng kinh tế mới ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài (nếu có) có xác nhận của người nộp thuế.

15 (mười lăm) ngày trước khi kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc năm tính thuế (tuỳ theo thời điểm nào diễn ra trước) Nhà thầu nước ngoài gửi bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú đã được hợp pháp hóa lãnh sự của năm tính thuế đó cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập. Trong phạm vi 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận cư trú, bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập có trách nhiệm nộp cho Cơ quan thuế bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú này.

Trường hợp vào thời điểm trên vẫn chưa có được Giấy chứng nhận cư trú thì nhà thầu nước ngoài có nghĩa vụ cam kết gửi bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú đã được hợp pháp hóa lãnh sự trong quý ngay sau ngày kết thúc năm tính thuế.

Trường hợp người nộp thuế không thể cung cấp đủ các thông tin hoặc các tài liệu theo yêu cầu của Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định, đề nghị giải trình cụ thể tại Thông báo mẫu số 01/HTQT nêu trên để cơ quan thuế xem xét, quyết định.