Cần đánh thuế nhà ở, đất ở để phòng, chống đầu cơ đất đai

12/08/2018 10:20:44 AM
Việc áp dụng đánh thuế nhà ở, đất ở sẽ góp phần hạn chế, điều chỉnh hành vi đầu cơ, tích trữ nhà, đất chủ yếu nhằm mục đích chờ thời cơ mua bán lại kiếm lời, chứ không phải đưa đất đai vào trong hoạt động sản xuất.
Nguồn thuế thu được từ tài sản là nhà ở, đất ở sẽ góp phần tăng thu ngân sách.
Nguồn thuế thu được từ tài sản là nhà ở, đất ở sẽ góp phần tăng thu ngân sách.
 

Đồng thời, góp phần điều tiết việc sử dụng đất đai của cá nhân, tổ chức và khuyến khích sử dụng nhà ở tiết kiệm, có hiệu quả. Đây là chia sẻ của ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương với phóng viên TBTCVN về đề xuất phải có luật về thuế tài sản. 

PV: Thưa ông, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đề xuất phải ban hành luật thuế về tài sản, nhất là đối với bất động sản. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất xây dựng luật thuế này?

Ông Trần Kim Chung: Đánh giá về đề xuất xây dựng luật thuế về tài sản, trong đó có đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở theo tôi cần nhìn từ nhiều góc độ. Trước hết, xét theo thông lệ quốc tế có thể thấy rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều đã áp dụng thuế tài sản trong hệ thống thuế của quốc gia. Theo đó, hiện đã có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Nhiều nước đã áp dụng thu thuế tài sản từ rất sớm, ví dụ như Hàn Quốc bắt đầu thu thuế này trong khoảng giai đoạn 1909 – 1913.

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước, nên việc mở rộng những cơ sở thu hợp pháp để đảm bảo cân đối thu – chi ngân sách trong việc thực hiện những nhiệm vụ của Nhà nước là yêu cầu tất yếu.  
 Ông Trần Kim Chung
Ông Trần Kim Chung 


Ngoài ra, việc đánh thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở không phải được hiểu đơn thuần là tài sản của cá nhân, mà đất đai là tài sản quốc gia, nên việc đánh thuế những người sử dụng tài sản quốc gia để điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất và khuyến khích sử dụng nhà ở tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần đảm bảo công bằng xã hội là rất cần thiết. 

Xét theo nhiều góc độ như vừa phân tích ở trên, quan điểm của tôi cho rằng, việc đề xuất có luật thuế về tài sản là hợp lý và cần thiết. 

PV: Vậy theo đánh giá của ông, đề xuất ban hành luật thuế về tài sản nếu được thông qua sẽ có những tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội?

Ông Trần Kim Chung: Theo tôi, đề xuất có luật thuế về tài sản nếu được xây dựng và ban hành sẽ có nhiều tác động tích cực. Trước hết, việc thi hành một sắc thuế mới, mở rộng cơ sở thu mới, nhất là thuế nhà ở, đất ở được đánh giá là một loại thuế có nguồn thu ổn định, sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chi của Nhà nước, đặc biệt là có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai. Lấy ví dụ như ở Hàn Quốc, năm 2016, nguồn thu thuế tài sản chiếm đến khoảng 13% trong tổng thu thuế của quốc gia này và ở nước này đang thực hiện thu thuế tài sản rất tốt. 

Bên cạnh đó, việc đánh thuế đối với tài sản, trong đó có đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở sẽ góp phần điều tiết việc sử dụng đất đai của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Theo đó, người sử dụng nhiều tài sản đất đai, đất đai có giá trị lớn phải có nghĩa vụ đóng góp một phần trở lại cho nền kinh tế. 

Đặc biệt, việc áp dụng đánh thuế nhà ở, đất ở sẽ góp phần hạn chế, điều chỉnh hành vi đầu cơ, tích trữ nhà, đất chủ yếu nhằm mục đích chờ thời cơ mua bán lại kiếm lời, chứ không phải đưa đất đai vào trong hoạt động sản xuất. Từ đó, sẽ góp phần hạn chế việc khan hiếm quỹ đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức có nhu cầu thật. Mặt khác, phản ánh cung – cầu thật về nhà đất trên thị trường, từ đó góp phần giảm giá nhà, đất đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng chi trả thực tế của người dân.

Hơn nữa, thuế tài sản sẽ được phân cấp và điều tiết phần lớn cho ngân sách địa phương. Điều này giúp các cấp chính quyền địa phương chủ động hơn trong việc cân đối ngân sách của địa phương mình, do nắm vững và chủ động được nguồn thu thuế này.

Bên cạnh những điểm tích cực, nếu việc đánh thuế tài sản được xây dựng và triển khai áp dụng cũng cần lưu ý một số vấn đề. Chẳng hạn như, nếu áp dụng đánh thuế tài sản sẽ làm giảm phần tích lũy tài sản của chủ thể phải nộp thuế, nên khả năng đầu tư của các chủ thể chịu thuế vào xã hội sẽ thấp đi, dẫn đến khả năng thu thuế của toàn nền kinh tế tại chu kì sau sẽ thấp đi. 

Ngoài ra, để có thể áp dụng được việc đánh thuế tài sản đối với nhà ở, đất ở cần có một nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn để đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… như hệ thống đăng ký đất đai, hệ thống đăng ký bất động sản nhà đất, hệ thống hành thu thuế này… Bởi hiện nay, đất đai của doanh nghiệp thì do chính quyền cấp tỉnh quản lý, đất đai của hộ gia đình thì do cấp huyện quản lý, mà thuế tài sản lại đánh thuế dựa trên thửa đất. Vì vậy, sự đầu tư này phải được tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các địa phương trong cả nước thì mới áp dụng đánh thuế hiệu quả được. 

PV: Từ góc độ là một chuyên gia kinh tế, ông có kiến nghị, đề xuất gì để dự án luật thuế về tài sản sớm trở thành hiện thực?

Ông Trần Kim Chung: Như những gì tôi đã chia sẻ ở trên, việc đề xuất xây dựng luật thuế về tài sản, trong đó có đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, để có thể đưa vào triển khai, áp dụng một sắc thuế hoàn toàn mới thì cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng để đảm bảo sắc thuế đó phải đáp ứng, thỏa mãn nhiều điều kiện khác nhau. Chẳng hạn như, thời điểm nào bắt đầu áp dụng luật thuế này là hợp lý, theo quan điểm cá nhân tôi, sắc thuế này nên được áp dụng vào đầu chu kỳ phát triển của nền kinh tế, tức thời điểm đầu giai đoạn nền kinh tế đất nước đang tăng trưởng, phát triển, chứ nếu áp dụng vào thời điểm của giai đoạn nền kinh tế đang suy thoái hoặc khủng hoảng sẽ khó thành công. 

Quan trọng hơn, về nội hàm của luật, sắc thuế được đưa ra cần phải tính được ngưỡng chịu thuế như thế nào là phù hợp, với tỷ suất thuế thế nào; đối tượng nào phải chịu thuế; các bậc thang thuế lũy tiến… Đây là những điểm rất quan trọng, quyết định sự thành công của việc áp dụng sắc thuế này.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo nên tham khảo kinh nghiệm xây dựng luật thuế tài sản của những nước có trình độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam khi họ bắt đầu áp dụng luật thuế này…

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo Tài chính